Quảng Ninh: Huyện Ba Chẽ nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn

Hồng Trang|14/08/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo kế hoạch, năm 2024, huyện Ba Chẽ được giao thực hiện trồng 3.500ha rừng, trong đó gồm 200ha rừng gỗ lớn. Thống kê trong 6 tháng đầu năm, kết quả trồng rừng gỗ lớn là 130,8ha, đạt 65,4% kế hoạch. Để hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn, huyện đã sớm đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ.

Ba Chẽ là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn thứ hai toàn tỉnh Quảng Ninh, với trên 56.000ha. Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng lý tưởng, nơi đây được xem là “thủ phủ” trồng rừng, đặc biệt là các loại cây gỗ lớn và một số loại cây dược liệu như ba kích, trà hoa vàng, nấm lim…

Theo kế hoạch, năm 2024, huyện Ba Chẽ được giao thực hiện trồng 3.500ha rừng, trong đó gồm 200ha rừng gỗ lớn. Thống kê trong 6 tháng đầu năm, kết quả trồng rừng gỗ lớn là 130,8ha, đạt 65,4% kế hoạch, so với cùng kỳ năm ngoái đạt 59,5%.

trong-rung-go-lon.jpg
Diện tích đất lâm nghiệp của Ba Chẽ là 56.000ha. Ảnh: Thanh Phương

Ngay từ đầu năm, với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu của tỉnh Quảng Ninh, huyện Ba Chẽ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, cá nhân đăng ký thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa; hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống, vay vốn lãi suất thấp; đề xuất phương án trồng cây dược liệu quý của địa phương dưới tán rừng gỗ lớn để người trồng rừng có thêm nguồn thu nhập.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ - đơn vị quản lý diện tích rừng đã chuyển đổi nhiều diện tích sang trồng lim, giổi, lát, cộng, gù hương…

Ông Chìu Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ cho biết: “Nghị quyết 337 là nghị quyết rất đúng đắn, mang đến hiệu quả bền vững, lâu dài. Không chỉ giúp bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn đất mà còn tạo hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, một số loại cây gỗ lớn mà công ty trồng như lim, gù hương, sồi phảng… phát triển rất tốt”.

Theo anh Quỳnh, với việc mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách của Nghị quyết 337 là tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sẽ giúp công ty của anh có thêm cơ hội được hỗ trợ để trồng rừng gỗ lớn. Hiện nay, mức hỗ trợ kinh phí mua cây giống và công chăm sóc là 20 triệu đồng/ha (không áp dụng đối với cây quế) và mức hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội là 30 triệu đồng/ha.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ba Chẽ cho biết: Nghị quyết 337 là một nghị quyết rất đặc thù cho tỉnh Quảng Ninh, là nguồn động lực cho huyện Ba Chẽ nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung trong phát triển lâm nghiệp bền vững. Đặc biệt, đối tượng của nghị quyết không chỉ là những hộ dân mà còn là những tổ chức, doanh nghiệp là chủ rừng đã được nhà nước giao đất, giao rừng.

“Theo nghị quyết, mức hỗ trợ cây giống và mức vay vốn đã được nâng lên, kèm theo chính sách phát triển cây dược liệu, lâm sản dưới tán rừng. Đây là chủ trương đúng, trúng được doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ bám sát vào đề án trồng rừng gỗ lớn cũng như dược liệu của huyện để ban hành kế hoạch tổ chức triển khai cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 đưa huyện Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh”, ông Vi Thanh Vinh nhấn mạnh.

Để hoàn thành mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, huyện Ba Chẽ cần phải khắc phục những hạn chế, vướng mắc, thực hiện song song giữa việc cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng và tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích trồng rừng, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng. Tất cả vì mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu của Quảng Ninh trong thời gian sớm nhất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ninh: Huyện Ba Chẽ nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng gỗ lớn