Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực du lịch
Để phát triển bền vững du lịch trong tương lai, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp hướng đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, từ năm 2013, Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch - ngành công nghiệp “không khói” phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, xác định: Phát triển du lịch tỉnh theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của tỉnh; góp phần quan trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược, gắn với mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh.”
Cụ thể, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Sở Du lịch đã xây dựng tiêu chí “Cánh buồm xanh” cho tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long. Trong giai đoạn thí điểm triển khai cấp nhãn và trao logo chứng nhận “Cánh buồm xanh”, đã có 36 tàu thủy du lịch trên Vịnh Hạ Long được cấp chứng nhận.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng các giải pháp tiết kiệm năng lượng; xuất bản sách trắng về tăng trưởng xanh Vịnh Hạ Long.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến như kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh, sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy... để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành tàu du lịch trên vịnh.
Không chỉ trên biển, phong trào, mô hình chung tay giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường được thực hiện rộng khắp, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như mô hình Chi hội thu gom ve chai tại các phường: Hà Phong, Hồng Hà, Hồng Hải, Tuần Châu (TP Hạ Long); duy trì "Tuyến đường không rác thải nhựa" tại phường Tuần Châu; mô hình "Phụ nữ sử dụng túi sinh học tự phân hủy" của phụ nữ phường Cẩm Thịnh (TP Cẩm Phả); mô hình “5 không, 3 sạch”, “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên.
Cùng với Hạ Long, huyện đảo Cô Tô là điển hình trong phong trào xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững. Từ ngày 1/9/2022, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo.
Song song với việc phục hồi, bảo tồn môi trường biển, ngành du lịch Quảng Ninh đã phát huy tối đa tiềm năng sẵn có về tự nhiên, văn hóa và con người để tạo ra sản phẩm du lịch xanh, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Có thể kể đến mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái; hợp tác xã dịch vụ du lịch chèo thuyền đưa du khách đi tham quan các làng chài, khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp farm (xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long); du lịch cộng đồng ở làng quê Yên Đức (thị xã Đông Triều)... mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
Không những vậy, những mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái này đã góp phần phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương.
Về lâu dài, để ứng phó biến đổi khí hậu, ngành du lịch Quảng Ninh đã đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, khách du lịch tự giác giảm thiểu chất thải, tái sử dụng, tái chế chất thải, không xả rác bừa bãi. Đồng thời, tăng cường việc kiểm soát tình hình quản lý thu gom và xử lý rác tại các địa phương, khu vực cụ thể trong tỉnh.
Cùng với đó, đề xuất tỉnh ban hành các văn bản, các thông tư hướng dẫn cụ thể về thống nhất quản lý, điều hành các hoạt động dịch vụ, du lịch theo hướng phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, quy hoạch các khu, điểm du lịch, hạ tầng và kỹ thuật phục vụ du lịch đảm bảo ứng phó lũ, lụt và nước biển dâng, tính tới yếu tố ổn định địa chất, địa mạo, phù hợp với quy hoạch hệ thống đê biển.
Các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp hướng tới mô hình kiến trúc xanh, định mức cột nền xây mới phù hợp với dự báo mực nước biển dâng, đặc biệt với 3 khu vực đã dự báo trước theo kịch bản biến đổi khí hậu gồm thành phố Móng Cái, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên.
Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh cũng cần đầu tư phương tiện, trang thiết bị cũng như nhân lực phục vụ vận chuyển khách và cứu nạn khi có thiên tai, các biểu hiện cực đoan của khí hậu; đầu tư hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, thông tin cứu nạn và các lực lượng ứng phó tại chỗ, kịp thời để đảm bảo an toàn cao nhất đối với khách du lịch.