Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết, hình ảnh vệ tinh thấy lượng khí carbon monoxide và các chất gây ô nhiễm khác trong tháng 8 nhiều hơn so với tháng trước trong khi có ít đám cháy hơn. Các đám cháy cũng đã giải phóng lượng lớn khí carbon dioxide vào khí quyển. Hai khí trên đều ảnh hưởng đến khí hậu và sức khỏe con người của khu vực lân cận và toàn cầu.
Khói bốc lên từ những vạt rừng Amazon bị cháy
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi, người dân vẫn đốt rừng để giải phóng mặt bằng mặc dù chính quyền đã khuyến cáo cấm hoạt động này trong 60 ngày từ tháng trước. Việc thiếu mưa trong mùa khô hiện tại ở khu vực Amazon cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm trở nên tồi tệ hơn.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil thì số vụ hỏa hoạn ở Brazil đã vượt quá 100.000 vụ trong năm nay, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2018.
Những người bị các bệnh về đường hô hấp mạn tính như hen suyễn, sẽ trở nên nghiêm trong hơn nếu sống trong bầu không khí ô nhiễm. Người ở lâu trong môi trường khói bụi, ô nhiễm có nguy cơ cao bị nhiễm các bệnh về đường hô hấp do hít phải khói bốc lên từ các đám cháy.
Quan chức y tế WHO cho biết các hạt gây ô nhiễm sẽ vẫn tồn tại “trong một thời gian dài” tại những khu vực xảy ra cháy lớn, nó ảnh hưởng tới sức khỏe con người tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc cũng như thời gian tiếp xúc ô nhiễm. Một số căn bệnh con người sẽ bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với các đám cháy là các bệnh tim mạch, các bệnh hô hấp cấp tính, chúng không tiềm ẩn nguy cơ gây ra các căn bệnh nguy hiểm như ung thư. Những ảnh hưởng từ cháy rừng chỉ là những tác động ngắn hạn.
Rừng Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới với diện tích gần 7,6 triệu km2, trải dài qua các nước Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Suriname và vùng lãnh thổ Guyana thuộc Pháp.
Được xem là “lá phổi xanh của hành tinh”, rừng Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất. Trong gần 50 năm qua, gần 1/5 diện tích rừng Amazon, khoảng hơn 770.000 km2 – lớn hơn cả diện tích đất nước Myanmar, đã bị đốn hạ và thiêu rụi ở Brazil.
Lượng rừng khổng lồ biến mất gây ra những biến động đáng kể đối với tình hình khí hậu và lượng mưa tại khu vực.
Tú Anh (T/h)