Tăng cường bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam

Minh Trang|29/12/2022 13:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bảo tồn đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống. Vì vậy, sự tham gia của mỗi thành phần trong xã hội đều là một phần của giải pháp giúp Việt Nam hướng đến tương lai phát triển bền vững.

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định công tác bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ của toàn xã hội vì bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống của con người.

Vì vậy, sự tham gia của mỗi thành phần trong xã hội đều là một phần của giải pháp giúp Việt Nam hướng đến tương lai phát triển bền vững gần hơn.

loai-nguy-cap.jpg
Loài Chà vá chân nâu được ghi nhận tại miền Tây tỉnh Quảng Trị. Ảnh: PTL

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên một cách hiệu quả, theo ông Nhân, Việt Nam cần một chiến lược tiếp cận toàn diện để kết nối với các bên, thông qua việc hợp tác, phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể; từ đó huy động nguồn lực tổng hợp và tạo ra được tác động cộng hưởng cho việc thực hiện các mục tiêu chung về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

“Dự án tăng cường quan hệ đối tác nhằm bảo tồn các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam, là sáng kiến để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên,” ông Nhân nói.

Chia sẻ về các kết quả của dự án trên, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết sau 4 năm hoạt động, dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Cụ thể, dự án đã góp phần giúp Việt Nam đề xuất sửa đổi, xây dựng 7 văn bản chính sách, pháp luật về quản lý, bảo tồn loài; tổ chức thành công 18 khoá tập huấn cho gần 1.000 lượt cán bộ quản lý, thực thi pháp luật, các khu bảo tồn và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng quan hệ hợp tác và triển khai hoạt động phối hợp với gần 10 tổ chức đối tác và duy trì mạng lưới chia sẻ thông tin gần 1.000 thành viên.

Ngoài ra, dự án cũng đã góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu của gần 400 loài nguy cấp và tổ chức 5 chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức quy mô lớn dưới nhiều hình thức với hơn 50 sản phẩm truyền thông nghe nhìn đa dạng về thể loại.

Tuy vậy, trong giai đoạn 2023 - 2030, để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn loài nguy cấp, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật nhằm đảm bảo cách tiếp cận hệ thống trong bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học; đặc biệt là lồng ghép trong quản lý các ngành, lĩnh vực kinh tế liên quan nhằm giảm tác động đến đa dạng sinh học và thực hiện phát triển bền vững.

Ngoài ra, tại hội thảo, một số đề xuất cũng được các đại biểu đưa ra nhằm bảo tồn loài nguy cấp trong thời gian tới như: tăng cường hiệu quả bảo tồn tại chỗ và tăng cường hệ thống cơ sở bảo tồn chuyển chỗ; thực hiện các chương trình nhân nuôi bảo tồn và phục hồi các quần thể loài hoang dã; tăng cường thực thi pháp luật kiểm soát săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tăng cường bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.