(Moitruong.net.vn) – Sáng 24/10, Hội thảo “Tăng cường vai trò, trách nhiệm và năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp vào công tác bảo vệ môi trường” do Tổng cục Môi trường phối hợp với Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TP Tuyên Quang.
Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội thảo
Tham dự hội thảo có TS.Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc trung tâm đào tạo và truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh – Anh hùng đa dạng sinh học ASEAN, Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cùng các chuyên gia, nhà khoa học, và các đoàn thể tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp các tỉnh khu vực miền Bắc.
Mở đầu chương trình hội thảo, TS. Trần Văn Miều – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam nhận định: Công tác bảo vệ môi trường được xác định là sự nghiệp của quần chúng, do quần chúng và vì quần chúng, là nhiệm vụ có tính cấp bách, lâu dài. Để sự nghiệp đó thành công cần tiến hành xã hội hóa nhằm huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, các tổ chức quần chúng và toàn bộ cộng đồng dân cư. Trong đó, ngành Dân vận và các đoàn thể chính trị – xã hội giữ vai trò quan trọng trong tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
TS. Trần Văn Miều – Trưởng Ban truyền thông Môi trường Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam
Hiện nay, sự tham gia bảo vệ môi trường của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đang ngày càng có sự chuyển biến tích cực với những hoạt động như: tập trung xóa các điểm đen về môi trường, giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường tại địa phương, cơ quan, đơn vị được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Các mô hình và hoạt động bảo vệ môi trường đã tác động đến ý thức của người dân cũng như việc nâng cao năng lực thực tiễn cho các tổ chức chính trị – xã hội. Tiêu biểu như các mô hình: “Ngày chủ nhật xanh”, “Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường”, “Văn phòng xanh”, “Khu phố tự quản”, “Hầm khí bi ô ga và bể chứa rác”, “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải nông thôn”, “Xử lý chất thải làng nghề”, “Nhà tiêu hợp vệ sinh và hố rác tự phân hủy”…
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khu vực miền Bắc đã phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường, luôn được các cá nhân, tập thể, cộng đồng dân cư ủng hộ và đánh giá cao.
Tuy nhiên, tại một số địa phương có hiện tượng cơ quan quản lý môi trường chỉ thực hiện những việc gì thuận lợi, còn việc khó khăn thì bỏ qua hoặc đùn đẩy cho các tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, cũng như một số phong trào, cuộc vận động chỉ làm rầm rộ trong thời gian đầu, thời gian sau có chiều hướng nhạt dần.
Ngoài ra, việc thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên người dân, các doanh nghiệp trong quá trình xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn kinh phí đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại địa phương còn nhiều bất cập.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng như khắc phục một số hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường. Thời gian qua, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật và các biện pháp bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động vì môi trường xanh – sạch – đẹp cho các tổ chức quần chúng để họ tham gia hỗ trợ các hoạt động của địa phương trong việc thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia thảo luận
Tại phần thảo luận, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quan, tổ chức của các tỉnh thành khu vực miền Bắc đều nhấn mạnh đến vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với công cuộc bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia đều đưa ra kiến nghị cần đưa ra nhiều cơ chế chính sách cũng như có những đánh giá nghiên cứu học tập những cách làm mới, phát huy những giá trị tri thức bản địa của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước hơn nữa về nguồn lực kỹ thuật, hệ thống luật pháp, quy định rõ trách nhiệm hơn nữa giữa chính quyền địa phương với các cộng đồng dân cư, nhất là sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức hội quần chúng.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Tiếp tục bổ sung các cơ chế, chính sách như sử dụng lao động, cơ chế tài chính, cơ chế giao thầu cho tổ chức, tư nhân tham gia thực hiện cung ứng các dịch vụ bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào, các mô hình đã được triển khai để rút kinh nghiệm và điều chỉnh các nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương…
Tại Hội thảo, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Anh hùng Đa dạng sinh học Asean đã nhấn mạnh: “Trong chiến lược phát triển đất nước thì công tác bảo vệ môi trường luôn cần phải đi đầu trong sự phát triển. Vì vậy, vai trò các tổ chức chính trị – xã hội luôn là nòng cốt gắn liền với nhân dân, gắn công cuộc bảo vệ môi trường”.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS.Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng: Hội thảo đã tích cực ghi nhận những vấn đề, kiến nghị cần thiết của các chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khu vực miền Bắc để góp phần trong công cuộc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, bởi đây là việc làm quan trọng, cần được tiến hành khẩn cấp hơn bao giờ hết, đặc biệt trong bối cảnh Quốc gia đang trong quá trình vươn mình phát triển nhanh như hiện nay.
Trung Thành