Thái Nguyên: Khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt ở huyện Võ Nhai

Linh Đan|09/03/2024 18:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm qua, việc mở rộng hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt từ các xã trên địa bàn huyện Võ Nhai đưa về bãi rác Hùng Sơn, thị trấn Đình Cả, để xử lý đã gây nên tình trạng quá tải.

Ban đầu, bãi rác Hùng Sơn được xây dựng chủ yếu để xử lý rác thải sinh hoạt cho thị trấn Đình Cả. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm hoạt động, cùng với việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, địa bàn thu gom rác thải sinh hoạt được mở rộng ra 8 địa phương khác nên khối lượng rác đưa về đây tăng cao.

Hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về đây xử lý với khối lượng từ 15-17 tấn/ngày; trong đó, khoảng 40% khối lượng rác được xử lý theo hình thức đốt, số còn lại được tập kết tại bãi và phun thuốc diệt côn trùng, rắc vôi bột khử khuẩn chứ không được chôn lấp (có khoảng 2.000 tấn/năm không được đốt).

xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-1.jpg
Ảnh minh hoạ

Trước những bất cập, khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn, từ năm 2016, huyện Võ Nhai đã tìm kiếm, lựa chọn những địa điểm hợp lý để quy hoạch, xây dựng khu xử lý rác thải, bãi rác theo 2 khu vực, ở 6 xã phía Bắc và 5 xã phía Nam.

Đặc biệt, tại khu vực phía Nam (cấp bách hơn), huyện đã tiến hành khảo sát ở các xã: Tràng Xá, Dân Tiến, Phương Giao và Bình Long. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm gặp nhiều khó khăn, như: Địa hình đồi núi phức tạp; đầu nguồn sông, suối. Sau đó, huyện đã khảo sát và chọn xóm Khuân Nang (Liên Minh) để xây dựng khu xử lý rác thải tập trung và được phê duyệt theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mặc dù đã được phê duyệt quy hoạch khu xử lý rác thải tập trung phía Nam, với diện tích 6,7ha, nhưng khi cơ quan chức năng của huyện Võ Nhai tiến hành các bước khảo sát thì không ít người dân trong xóm Khuân Nang phản đối. Ông Hoàng Phúc Thuận, nhà ở xóm Khuân Nang, cho biết: Địa điểm cơ quan chức năng khảo sát để triển khai xử lý rác thải chỉ cách nhà tôi khoảng 300m. Không chỉ gia đình tôi mà còn khoảng 6, 7 hộ dân cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối phát sinh từ bãi rác.

Còn ông Hoàng Phúc Thành, một người dân khác ở xóm Khuân Nang, chia sẻ: Điểm quy hoạch này nằm trong lũng, bao quanh là đồi núi được người dân trồng keo. Ngoài ra, ở khu vực này có khe nước (mùa khô cạn nước, mùa mưa có nước chảy), nếu tập kết rác tại đây sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước...

Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Võ Nhai, khu vực này được UBND tỉnh Thái Nguyên quy hoạch, trên cơ sở đó, huyện mới tiến hành khảo sát, nghiên cứu, chưa có quyết định đầu tư dự án. Để đầu tư khu xử lý rác thải tập trung thì cần qua nhiều bước, như: Khảo sát địa điểm; đánh giá tiêu chí để xây dựng khu xử lý rác thải; lựa chọn công nghệ xử lý; lấy ý kiến nhân dân sau khi đưa bà con đi tham quan thực tế công nghệ xử lý ở một số nhà máy xử lý rác; báo cáo, đánh giá tác động môi trường.

Có thể thấy, việc xử lý rác thải sinh hoạt đối với huyện Võ Nhai ngày càng cấp thiết và việc vận chuyển đi nơi khác xử lý cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ở khu vực quy hoạch bãi rác phía Nam hiểu, đồng thuận; tham khảo, lựa chọn các giải pháp công nghệ xử lý rác thải phù hợp, hạn chế gây ô nhiễm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt ở huyện Võ Nhai