Hiện tại khu vực chân núi Thiều, thuộc thôn Thiều Xá 2, đã bị khai thác trái phép tại nhiều vị trí. Có một số vị trí khai thác tạo vách núi thẳng đứng và không có taluy, dốc đứng có vết sạt trượt dài từ đỉnh núi xuống chân núi. Nhiều tảng đá lớn nằm trên núi đang tiềm ẩn và có nguy cơ đổ sập, lăn rơi xuống chân núi bất cứ lúc nào. Các hộ dân sống dưới chân núi thấp thỏm lo âu, nhất là khi mưa lớn.
Theo người dân sống dưới chân núi, đã có nhiều đoàn đến kiểm tra. Ngoài ra, khu vực này trước đây đã bị khai thác đất làm 3 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và 4 hộ khác ảnh hưởng gián tiếp khi thiên tai xảy ra và đá lăn từ chân núi vào sát nhà.
Bà Nguyễn Thị Định (thôn Thiều Xá 2) cho biết, gia đình sống ở đây đã lâu, vào mùa mưa bão, hay bị sạt lở đất đá làm các thành viên trong gia đình luôn bất an. Bà mong các đơn vị hữu quan sớm có giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở này.
Gia đình ông Vũ Minh Tâm sinh sống ngay chân núi cho hay: “Mấy năm nay, nhiều tảng đá lớn sạt trượt xuống vườn, chân nhà gây thiệt hại nhiều tài sản".
Cũng như gia đình bà Định, ông Tâm, nhiều hộ dân khác mong muốn chính quyền địa phương cần quyết liệt ngăn chặn xử lý khai thác đất trái phép, có phương án chống sạt lở, tránh nguy cơ mất an toàn về con người và tài sản.
Xác định tình trạng sạt lở tại khu vực núi Thiều nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân đang sinh sống tại đây, UBND xã Cầu Lộc đã tổ chức cắm biển, khoanh vùng, lập rào chắn cảnh báo tại khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, không để người dân, vật nuôi đi vào khu vực này. Đồng thời tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với thiên tai và phương án sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc Hoàng Văn Thủy, cho biết: “Tình trạng khai thác đất, đá trái phép tại chân núi Thiều là có. Chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng nhiều lần ra quân xử lý. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian các đối tượng lại đưa máy móc, thiết bị vào khai thác.
Hiện nay, chúng tôi đã tạm giữ 3 phương tiện (2 xe công nông tự chế, 1 ô tô), giao cho công an xã mời các chủ sở hữu lên để lập biên bản xử lý. Đồng thời thông báo rộng rãi cho người dân nắm được tình hình sạt lở, báo ngay cho chính quyền địa phương khi có đối tượng khai thác trái phép.
Bên cạnh đó, xã đã cắm biển cảnh báo sạt lở tại các khu vực nguy hiểm. Tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của người dân để trình cấp trên phương án xử lý chống sạt lở”.
Theo ông Đỗ Văn Ngọ, Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc cho biết: UBND xã đã làm tờ trình, báo cáo tình trạng sạt lở núi Thiều lên UBND huyện Hậu Lộc, đến nay mới đang xây dựng phương án xây dựng kè bảo vệ. Việc xác định nguyên nhân sạt lở không thuộc thẩm quyền của địa phương, vì liên quan đến việc quản lý đất đai, khoáng sản. Thời gian tới, UBND xã Cầu Lộc đề nghị các cơ quan cấp tỉnh và UBND huyện Hậu Lộc quan tâm có phương án xây kè bảo vệ nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân, để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.
Được biết, UBND xã Cầu Lộc đã có tờ trình gửi UBND huyện Hậu Lộc thẩm định phương án thi công chống sạt lở khu vực núi Thiều Xá 2, với giá trị đầu tư hơn 700 triệu đồng. UBND huyện Hậu Lộc đã chấp thuận phương án thi công do UBND xã Cầu Lộc làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nếu phương án này sớm được triển khai sẽ đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ổn định, ngăn được tình trạng sạt lở núi ngày một nghiêm trọng trước ảnh hưởng của thiên tai.