Bảo vệ môi trường

Thanh Hóa nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề

Nguyễn Trường - Sơn Hà 25/11/2024 12:30

Thực tiễn cho thấy, hoạt động kinh tế tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất tại các khu vực này tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không được quản lý, kiểm soát hiệu quả.

Thực trạng bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN, làng nghề

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 Khu kinh tế (Khu kinh tế Nghi Sơn), 08 KCN, 44 CCN được thành lập; đã thu hút được 492 cơ sở, doanh nghiệp vào hoạt động. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), để việc xử lý chất thải rắn (CTR) tại các KCN và CCN, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đã tiến hành xử lý CTR bằng phương pháp đốt, làm nhiên liệu cho lò hơi, vật liệu san lấp, tận dụng tái chế hoặc hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý... Vì vậy khối lượng xử lý tại các KCN và CCN bình quân đạt trên 90%.

anh-1.jpg
Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn (Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa)

Các loại CTR phát sinh trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại các KCN, CCN đều được các doanh nghiệp thu gom, phân loại tại nguồn nhằm tăng khả năng tái chế, tái sử dụng các nguồn chất thải cho cơ sở và các ngành khác. Các chủ nguồn thải có phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn đã đăng ký và được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Lượng chất thải nguy hại phát sinh từ các chủ nguồn thải này phần lớn được thu gom và hợp đồng với cơ sở đã được cấp phép để xử lý. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 82%.

anh-5.jpg
Nước thải có màu bất thường từ cống xả thải của Khu công nghiệp Bỉm Sơn

Đối với các làng nghề, toàn tỉnh Thanh Hóa có 175 làng nghề và làng nghề truyền thống (trong đó có 86 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận) hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Các làng nghề được công nhận có phương án bảo vệ môi trường (BVMT) được phê duyệt, đã thành lập Tổ tự quản về BVMT, rác thải đã được thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý. Năm 2022, có 04 làng nghề được cấp kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường để xây dựng công trình nâng cấp, sửa chữa hệ thống thu gom, xử lý nước thải làng nghề, cải tạo đường giao thông với tổng số tiền hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường cho mỗi làng nghề dao động từ 7 đến 10,2 tỷ đồng.

anh-3.jpg
Chất lượng môi trường tại nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn khá thấp so với chỉ tiêu đặt ra

Tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng môi trường

Để kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm nâng cao chất lượng môi trường tại các KCN, CCN, làng nghề, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, sở, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư, huy động đa dạng nguồn vốn để đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các KCN, CCN, làng nghề khu dân cư; xây dựng kế hoạch tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, dọc lưu vực các sông lớn vào các KCN, CCN, làng nghề; di dời các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư đến vị trí phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân...

Để phát triển các nghề truyền thống một cách bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quan tâm thực hiện các giải pháp BVMT tại các làng nghề theo đúng quy định. Trong đó, các cơ sở hoạt động trong làng nghề phải thực hiện đầy đủ các biện pháp thu gom, xử lý nước thải; khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường tương ứng. Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề, không để xảy ra hiện tượng tắc nghẽn, tù đọng nước thải và ngập úng. Các phòng, ngành chức năng và các địa phương có làng nghề phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, kiểm soát môi trường, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm và buộc phải đầu tư khắc phục ô nhiễm...

anh-2.jpg
Thời gian tới, Sở TNMT Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường trong các KCN, CCN, làng nghề

Đại diện Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện để kịp thời xử lý vấn đề ô nhiễm. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, huy động đa dạng nguồn vốn để đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải trong các KCN, CCN, làng nghề, khu dân cư; xây dựng kế hoạch tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, dọc lưu vực các sông lớn vào các KCN, CCN, làng nghề; di dời các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư đến vị trí phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Đồng thời, thường xuyên giám sát các số liệu quan trắc môi trường, thực hiện quản lý vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh; nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, đánh giá chất lượng nước thải, khí thải tại các doanh nghiệp trước khi thải ra môi trường.

Quyết tâm di dời 700 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư

Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 826 cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động trong đô thị, khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhiều nhất là các loại hình sản xuất: Chăn nuôi gia súc, gia cầm với 342 cơ sở; chế biến đá xẻ, đá ốp lát 190 cơ sở; chế biến lâm sản, sản xuất đồ gỗ, mộc dân dụng 109 cơ sở; thu mua, tái chế phế liệu, giặt bao bì 75 cơ sở; sản xuất bún 26 cơ sở; giết mổ gia súc, gia cầm 30 cơ sở; gia công cơ khí 19 cơ sở; sản xuất gạch không nung 14 cơ sở... Một số loại hình sản xuất khác như ươm tơ, dệt nhiễu, chế biến thức ăn chăn nuôi, sửa chữa ô tô, kinh doanh than... cũng ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

anh-6(1).jpg
Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tích cực di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư

Theo số liệu điều tra của các ngành và địa phương tổng hợp về UBND tỉnh Thanh Hóa, trong số 826 cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm trong đô thị, dân cư, có 700 cơ sở (chiếm 84,74%) không đầu tư các công trình xử lý chất thải hoặc còn sơ sài, không đúng tiêu chuẩn, không vận hành thường xuyên. Chất thải chưa được thu gom, xử lý triệt để thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của nhân dân xung quanh. Đây chính là nguyên nhân khiến thời gian qua rất nhiều đơn thư, phản ánh của người dân, báo chí, đến các cơ quan chức năng về ô nhiễm môi trường do các cơ sở trên gây ra. Qua xác minh cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất trong dân cư chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường, chất lượng môi trường không khí, tiếng ồn, nước thải trước khi thải ra còn nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Việc khắc phục tình trạng ô nhiễm tại chỗ của các cơ sở, hộ gia đình sản xuất gặp nhiều khó khăn, do quỹ đất hạn hẹp, kinh phí hạn chế không đáp ứng được yêu cầu xây dựng công trình xử lý chất thải, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế... Việc phản ánh qua đơn thư, đường dây nóng thường xuyên của các hộ dân cho thấy những bức xúc trong việc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này cần phải được giải quyết dứt điểm.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

Theo đó, 700 cơ sở gây ô nhiễm (thuộc phạm vi Đề án trên); trong đó có 673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch; bao gồm: 394/673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, không đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường (chiếm 58,54%); 279/673 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường (chiếm 41,45%) thuộc diện phải di dời theo từng giai đoạn.

Địa điểm tiếp nhận các cơ sở di dời là các KCN, CCN, khu sản xuất tập trung cùng địa bàn hoặc địa bàn lân cận, đảm bảo ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt hoặc các vị trí mới được cấp có thẩm quyền thống nhất chủ trương thực hiện dự án.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa nâng cao công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.