Thanh Hóa: Nhiều chuyển biến tích cực, đáng khích lệ trong công tác bảo vệ môi trường

Nguyễn Trường – Sơn Hà|04/07/2022 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, cùng nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Thanh Hóa đang dần đứng trước cơ hội sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc. Song song với những thành tựu kể trên, công tác bảo vệ môi trường cũng đã được địa phương thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả với nhiều chuyển biến tích cực, đáng khích lệ.

tang-truong-xanh-3(2).jpg
Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang phát biểu tại Hội thảo tham vấn Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Nhất quán quan điểm: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”

Với quan điểm nhất quán: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa đã hạn chế tối đa chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó với các sự cố về môi trường trên địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, vận hành mạng lưới quan trắc môi trường; tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời về ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật;… Cũng bởi vậy, công tác bảo vệ môi trường ở Thanh Hóa đã có nhiều tiến triển trong thời gian qua. Mới đây, tại công bố xếp hạng theo Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2020 của các địa phương được Bộ tài nguyên và Môi trường đưa ra, Thanh Hóa đã nằm trong nhóm các tỉnh được xếp hạng khá về bảo vệ môi trường.

tang-truong-xanh-4.jpg
Thị xã Nghi Sơn đang phấn đấu để trở thành "thành phố công nghiệp xanh" trong tương lai.

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: Tăng trưởng xanh là lĩnh vực luôn được tỉnh Thanh Hóa quan tâm triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh trồng rừng, hướng đến phát triển bền vững. Để thực hiện có hiệu quả tăng trưởng xanh, Thanh Hoá đã có chủ trương không phát triển các nhà máy xi măng, nhất là ở khu vực đồng bằng. Đối với ngành nông nghiệp, với quy mô sản xuất lúa và diện tích rừng lớn, Thanh Hoá cũng đang kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng nhà máy điện năng lượng của Nhật Bản. Ông Lê Đức Giang mong muốn Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ để các nhà máy đi vào hoạt động.

tang-truong-xanh-1.jpg
Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang kiểm tra trực tiếp hiện trường công ty TNHH Nam Khánh xả thải gây ô nhiễm (ảnh chụp ngày 21/4/2022).

Từ tầm nhìn đến hành động

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) là một trong 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng, các dự án trọng điểm quốc gia, cùng hàng trăm nhà máy lớn, nhỏ - trở thành khu động lực phát triển kinh tế - đô thị trọng điểm của tỉnh và của khu vực. Song song với những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, công tác bảo vệ môi trường ở thị xã Nghi Sơn cũng rất được chú trọng với quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”. Đây cũng là tiền đề để thị xã Nghi Sơn kiên trì tìm hiểu và chuyển mình theo hướng kinh tế xanh.

tang-truong-xanh-2.jpg
Thanh Hóa không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, những dự án, nhà máy nào gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sẽ bị xử lý nghiêm.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực lên mọi lĩnh vực của đời sống, làm suy kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên… phát triển kinh tế xanh chính là sự chuyển mình phù hợp của thị xã Nghi Sơn. Có thể nói, mục tiêu tăng trưởng bền vững, hướng tới “Thành phố công nghiệp xanh” - trung tâm kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được xem là nỗ lực phấn đấu của địa phương này.

Những con số phản ánh sự nỗ lực. Theo báo cáo của UBND thị xã Nghi Sơn, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý ngày càng tăng, cụ thể: Năm 2018, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt 65% (19/34 xã, thị trấn nay là 31 xã, phường); năm 2021 tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt 93% (31/31 xã, phường).

Ngoài ra, UBND thị xã còn xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện Luật BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua kiểm tra, giám sát, UBND thị xã đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về môi trường. Cụ thể: Năm 2018 xử lý 9 trường hợp với số tiền 87,5 triệu đồng; Năm 2020 xử lý 18 trường hợp với số tiền là 48,5 triệu đồng; Năm 2021 xử lý 19 trường hợp với số tiền 47,5 triệu đồng.

Để phòng ngừa ô nhiễm môi trường, địa phương đã đầu tư, lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động tại một số điểm nóng và nhạy cảm về môi trường. Cụ thể, ngày 7/7/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2633/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, cố định tại KKT Nghi Sơn và một số khu vực trọng điểm của tỉnh. Hiện đã lắp đặt 1 trạm môi trường không khí xung quanh tại khuôn viên trụ sở Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Nghi Sơn ; 1 trạm quan trắc môi trường nước biển ven bờ tại cảng nước sâu Nghi Sơn, với thông số quan trắc nhiệt độ, PH, độ đục, độ dẫn nhiệt, DO, TSS, COD, NH4, NO3.

tang-truong-xanh-5.jpg
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều phương án, nỗ lực trong công tác phục hồi rừng, diện tích rừng không ngừng được tăng lên.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh Thanh Hóa, địa phương này đã, đang đi đúng hướng với chiến lược cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường Thanh Hóa, hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng 2.200 tấn/ngày/đêm; khối lượng rác được thu gom và xử lý khoảng 1.878,6 tấn/ngày/đêm, đạt tỷ lệ 85,39%; trong đó tỷ lệ rác thải được xử lý bằng công nghệ đốt chiếm 27,27%, bằng biện pháp chôn lấp chiếm 69,4% và rác thải được tái chế 3,33%. Tỷ lệ thu gom và xử lý CTRSH tại khu vực đồng bằng đạt 92,62%; khu vực ven biển đạt 89,58%; khu vực trung du, miền núi đạt 76,26%.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, việc bảo vệ trồng rừng, hiện nay kết quả trồng rừng đã đạt kết quả rất tốt, tính đến hết năm 2021 các địa phương trong tỉnh đã trồng được khoảng hơn 9.000 ha rừng và 4,7 triệu cây phân tán. Thanh Hóa cũng đã có 19.061,66 ha rừng ở các huyện Thạch Thành, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn được tổ chức quốc tế công nhận và cấp chứng chỉ FSC. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 30.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó rừng gỗ 20.000 ha, rừng tre luồng 10.000 ha.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thanh Hoá đã thực hiện tích tụ, tập trung được khoảng 24.000 ha để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; mỗi năm toàn tỉnh đã thực hiện trồng khoảng 10.000 ha rừng, độ che phủ tương ứng 53,5%, cao hơn bình quân cả nước; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch là 95,6%; có 10 đề tài, dự án khoa học - công nghệ thực hiện theo hướng tăng trưởng xanh ở các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường, xây dựng…

Ở lĩnh vực công nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy điện rác và điện mặt trời đang trong quá trình đầu tư xây dựng. Tại các điểm du lịch, Thanh Hoá cũng đã đưa xe điện vào hoạt động để thay thế phương tiện giao thông sử dụng xăng.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trong công tác bảo vệ môi trường, hi vọng, môi trường nơi đây sẽ ngày càng cải thiện và chuyển biến tích cực hơn nữa. Để Thanh Hóa không chỉ trở thành một cực trăng trưởng mới ở phía Bắc mà còn phải trở thành một vùng đất “đáng sống”, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Nhiều chuyển biến tích cực, đáng khích lệ trong công tác bảo vệ môi trường