Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28

Phong Anh|01/12/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo chương trình, hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới; đồng chủ trì sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu"; phát biểu tại Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và gặp lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị,…

Sáng 01/12 theo giờ địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động trong chuyến công tác dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), kết hợp các hoạt động song phương tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) theo lời mời của Chính phủ UAE.

1-ttg(1).jpg
Tối 30/11 theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Al Maktoum, thành phố Dubai, bắt đầu chuyến công tác tại UAE

Theo chương trình, trong ngày hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới; đồng chủ trì sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu"; phát biểu tại Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); gặp lãnh đạo một số nước tham dự Hội nghị; tiếp Bộ trưởng Đầu tư UAE và gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại UAE.

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai thiết thực, hiệu quả các cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26, góp phần cùng cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu. Nổi bật là "Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, nhiều dự án năng lượng tái tạo được triển khai, Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quan điểm của Việt Nam khi tham dự Hội nghị là ứng phó biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu, toàn diện, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào. Đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Trước khi COP28 diễn ra, nhiều quốc gia đã mong muốn Việt Nam tham gia vào các sáng kiến và dự kiến Việt Nam sẽ tham gia các sáng kiến quan trọng tại COP28 lần này.

Việc Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị COP28 gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý một trong những thách thức chung toàn cầu lớn nhất và được quan tâm cao nhất hiện nay là biến đổi khí hậu; đồng thời khẳng định vai trò, vị thế, tầm vóc của Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực và quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

1-pmc.png
Thủ tướng trao đổi với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP 28 trước giờ khai mạc Hội nghị

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về phát thải khí nhà kính. Song Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đi đôi với chuyển đổi năng lượng công bằng. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu cũng sẽ là kinh nghiệm cho các nước khác và những nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đóng góp đáng kể cho nỗ lực giảm khí nhà kính toàn cầu. Đây cũng là sự quan tâm của các đối tác tại COP28.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam, hành động của Việt Nam sẽ có tác động đáng kể cho thành công của Hội nghị và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngay trước khi COP28 diễn ra, nhiều quốc gia đã mong muốn Việt Nam tham gia vào các Sáng kiến và dự kiến Việt Nam sẽ tham gia các sáng kiến quan trọng tại COP28 lần này, trong đó có Cam kết làm mát toàn cầu và Sáng kiến thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris…

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ xem xét tham gia một số Sáng kiến khác như: Cam kết về hiệu quả năng lượng và tái tạo toàn cầu COP28; Tuyên bố COP28 về Khí hậu và Sức khỏe; Nhóm các nước ủng hộ hành động vì biến đổi khí hậu liên quan đến văn hóa tại UNFCCC; Tuyên bố về Hệ thống thực phẩm linh hoạt, Nông nghiệp bền vững và Hành động về khí hậu; Chuyển đổi công bằng có trách nhiệm giới và Đối tác hành động vì khí hậu...

Quan điểm Việt Nam tham dự Hội nghị là ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Sự quan tâm dành cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu phải như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việt Nam không đưa ra cam kết mới tại Hội nghị COP28 và dự kiến sẽ nêu quan điểm về việc cần tăng cường đoàn kết toàn cầu, thống nhất tầm nhìn mới, có tư duy mới mang lại đột phá trong triển khai, đưa ra quyết tâm mới để hành động quyết liệt, hiệu quả và thông qua giải pháp toàn cầu, toàn diện, đổi mới và sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm, không bỏ lại phía sau bất cứ một quốc gia, cộng đồng hay người dân nào.

Đồng thời kêu gọi các quốc gia, tổ chức, tập đoàn cần thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Các nước phát triển cần giữ vai trò tiên phong đi đầu, tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các nước đang phát triển chuyển đổi năng lượng công bằng thông qua cung cấp tài chính, nhất là viện trợ không hoàn lại, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực; cần bảo đảm công bằng, công lý khí hậu.

Điều đó đồng nghĩa với đảm bảo tự chủ và an ninh lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phải chăng cho mọi doanh nghiệp và người dân và việc làm cho người lao động. Cần tăng cường tài chính cho thích ứng và sớm đưa Quỹ Tổn thất và thiệt hại đi vào hoạt động để tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại COP28 năm nay, Việt Nam sẽ có Phòng sự kiện để giới thiệu về nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Hội nghị cũng sẽ diễn ra Lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam.

Việc Việt Nam công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28 nhằm vận động các đối tác quốc tế hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư vào các dự án chuyển đổi năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

Bài liên quan
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Dubai, bắt đầu tham dự COP28
    Dự kiến trong chương trình công tác tại UAE, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự, phát biểu tại các hội nghị, diễn đàn, phiên thảo luận quan trọng trong khuôn khổ COP28; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế và sẽ có các hoạt động song phương với UAE.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu các hoạt động tại Hội nghị Thượng đỉnh COP28