Thùng rác công nghệ do Công ty GODA triển khai có thật sự hiệu quả?

Ngọc Ánh|19/08/2023 00:25
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mô hình thùng rác gắn pin năng lượng mặt trời có mức đầu tư 200 tỷ đồng, với mục đích cải thiện mỹ quan và thay đổi nhận thức của người dân trong việc phân loại rác tại Hà Nội. Thế nhưng thực tế cho đến nay, những thùng rác này chưa phát huy được tác dụng.

XEN VIDEO: Thùng rác công nghệ do Công ty GODA triển khai có thật sự hiệu quả?

Cuối năm 2019, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho triển khai dự án lắp đặt các thùng rác công nghệ kết hợp quảng cáo của Công ty Cổ phần Công nghệ xanh Goda.

W_dd433dd1-76fa-4b0d-a049-ca08a8be6602.jpeg
Thùng rác công nghệ được lắp đặt trên phố Nguỵ Như Kon Tum

Dự án nhằm khai thác nguồn xã hội hoá trong việc thu gom rác thải đô thị trên địa bàn Hà Nội, góp phần nâng cao mỹ quan của Thủ đô cũng như thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, với dự kiến là 11.000 thùng rác trên các tuyến phố như Xã Đàn, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, Nguỵ Như Kon Tum…  Sau khoảng 4 năm triển khai, đến nay, đơn vị thực hiện lắp đặt được 20% số thùng rác trong tổng số thùng đã dự kiến. Tuy nhiên, mô hình này có thật sự phát huy hiệu quả hay không thì vẫn là điều đáng bàn.

W_d88e5932-f889-491b-800c-d72146a8a950.jpeg
Rác thải chất đống bên cạnh thùng rác công nghệ

Mặc dù thùng rác chỉ cách đó chưa đến 20m mà gốc cây có đủ thứ rác thải khác nhau. Không những vậy, rác chất đống ở quanh thùng rác, tràn xuống cả mặt đường. Chưa biết là có tiện lợi cho người bỏ rác hay không nhưng đến thời điểm này thùng rác công nghệ chưa phát huy được tác dụng là giúp người dân ý thức hơn trọng việc phân loại và bỏ rác đúng nơi quy định.

Ông Bùi Tuấn Đạt (Ninh Bình) cho biết: “Người dân khi đi đường, ngồi trên xe máy thì tiện tay vứt vào. Trời nóng, nhiều người mang theo nước đóng chai để uống, nhưng dùng xong, chai lọ không được bỏ vào thùng rác mà nhiều người còn đặt ở gốc cây”.

Ghi nhận thực tế của PV Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn tại một số tuyến phố được lắp đặt thùng rác công nghệ, rất nhiều thùng rác đã bị hư hỏng, thùng thì không được dùng để chứa rác, thùng thì đầy rác nhưng lại không được thu gom gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, trên mỗi thùng rác công nghệ có in hình phân loại rác nhưng hầu hết rác trong thùng đều lẫn lộn. Có những nơi, dù thùng rác ở ngay trước mặt, nhưng nhiều người vẫn giữ thói quen tiện tay vứt rác ra đường.

W_5d4e0ebc-c4b5-4fc4-bb03-4077ad03f8b6.jpeg
Người dân “tiện tay” vứt rác xuống đường

Người dân sinh sống ở gần nơi lắp đặt thùng rác công nghệ cho biết: “Khe thùng thì bé mà người lôi ra, có người lại vứt vào”.

W_1127784f-31b0-4e00-aad9-a432e0623b30.jpeg
PGT.TS. Bùi Thị An – Nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển Công nghệ cộng đồng

Trao đổi với phóng viên của Tạp chí Moitruong.net.vn, PGT..TS Bùi Thị An – Nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển Công nghệ cộng đồng cho biết: “Chúng ta đã thực hiện thí điểm dự án thùng rác công nghệ, phân loại rác ở một số địa điểm, một số phường, trên toàn địa bàn TP Hà Nội và những nơi khác nhưng đến bây giờ vẫn chưa có kết quả được như mong muốn ban đầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đầu tiên, nhận thức của người dân về việc phân loại rác chưa thật sự đầy đủ. Tất cả các loại rác vẫn gom hết vào một chỗ. Mọi người vẫn nghĩ rác chỉ là rác nhưng rác ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ, phát triển  kinh tế.

Thứ hai là điều kiện để thực hiện dự án, có thùng rác công nghệ nhưng xe thu gom rác lại không có thùng công nghệ nên lại quy về một mối, cuối cùng lại gây ra lãng phí.

Thứ ba, nếu giả sử có thùng, có xe công nghệ rồi nhưng đến nơi tập kết rác lại không có bãi phân loại riêng thì đây cũng là một bất cập. Tiếp theo là về công tác quản lý, mặc dù các đơn vị ở các phường, quận, ban quản lý cũng không thật sự quyết liệt, xử lý đến nơi đến chốn về vấn đề rác thải. Ví dụ, như khi chúng ta thực hiện chiến dịch phòng chống Covid – 19:  Đi từng ngõ, gõ từng nhà mà vấn đề rác thải lại không làm thế được? Chúng ta phải làm quyết liệt để thay đổi thói quen xấu của người dân, để phân loại rác thải trở thành ý thức tự giác. Trách nhiệm của cơ quan quản lý, cán bộ quản lý rất quan trọng. Cứ thúc đẩy, quan tâm, nhắc nhở thường xuyên và có chế tài xử phạt để người dân thay đổi thói quen tự giác phân loại rác.”

W_af175362-f875-44d9-86df-59e30cd01473.jpeg
Ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

Trước đó, trao đổi với phóng viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống những bất cập về thùng rác công nghệ, ông Nguyễn Quang Huân – Đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: “Dự án thùng rác công nghệ này có ý nghĩa rất tốt, góp phần tuyên truyền đến người dân về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy dự án còn nhiều bất cập, do chưa tuyên truyền rõ về đối tượng sử dụng. Nếu người dân lầm tưởng đó là nơi để rác sinh hoạt thì sẽ vượt quá công suất của thùng rác, biến thành điểm để rác mất vệ sinh. Những hộ dân ở gần nơi lắp đặt thùng rác công nghệ phải hứng chịu mùi xú uế và mất mỹ quan. Như vậy không khác gì lập một điểm trung chuyển rác trong đô thị mà không nằm trong quy hoạch. Bên cạnh đó, vấn đề vận hành, quản lý những thùng rác công nghệ này cũng cần được các cơ quan chức năng và chủ đầu tư quan tâm, giám sát mới thực hiện hiệu quả được.”

Việc thực hiện các giải pháp công nghệ để giúp xử lý những vấn đề môi trường là một xu thế tất yếu và mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Vì thế, nếu thùng rác công nghệ được sử dụng một cách hiệu quả sẽ góp phần đáng kể vào việc giữ gìn vệ sinh đường phố theo hướng văn minh, hiện đại mà không phải chỉ để phát sáng vào buổi tối và quảng cáo như hiện nay.

Bài liên quan
  • Hà Tĩnh: Khẩn trương xử lý sâu róm ăn hại 2.000 ha rừng thông
    Thời gian qua trên diện tích rừng thông thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh quản lý xuất hiện sâu róm thông ăn hại rừng với số lượng lớn. Ngay sau khi phát hiện, Ban quản lý đã báo cáo các đơn vị liên quan, đồng thời chủ động nhân lực, máy móc, thuốc tiến hành phun phòng trừ sâu hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thùng rác công nghệ do Công ty GODA triển khai có thật sự hiệu quả?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.