Tốc độ sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long là do đâu?

Hoàng An|23/03/2021 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các chuyên gia cũng cho rằng, sụt lún đất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều nguyên nhân cả tự nhiên và nhân tạo, nhưng việc khai thác nước ngầm quá mức được xem là nguyên nhân chính…..

Ngày 22/3, tại hội thảo về quản trị khai thác nước ngầm và sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về tình trạng sụt lún đất tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng.

Hội thảo xác định việc xây dựng phương án khoanh định vùng hạn chế khai thác nước ngầm theo Nghị định 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ về Quy định khai thác nước dưới đất là nhiệm vụ trước mắt cần thực hiện.

Cuộc khảo sát, nghiên cứu tại 4 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm: Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, Bến Tre cho thấy vấn đề sụt lún đất và việc khai thác nước ngầm được xác định có mối liên hệ rõ rệt.

Ảnh minh họa

Sự sụt lún thể hiện qua các tác động đến cơ sở hạ tầng ở mức độ người dân có thể nhận thấy những thay đổi.

Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đồng bằng sông Cửu Long đang sụt lún 1cm/năm, có tốc độ trung bình lên đến 5,7cm/năm tại một số điểm.

Vấn đề sụt lún tại thành phố Cần Thơ cũng đáng được quan tâm vì đây là nơi dễ thấy hiện tượng sụt lún nhất. Theo số liệu đo đạc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2005-2017 tốc độ sụt lún trung bình của thành phố là 1,31cm/năm, nơi có tốc độ sụt lún cao nhất lên đến 4,37 cm/năm.

Mặc dù có lượng nước mặt khá lớn nhưng chất lượng nước mặt đang suy giảm do bị ô nhiễm từ sự thâm canh nông nghiệp, điều này dẫn đến việc chi phí xử lý nước mặt phải tăng lên đáng kể và người dân có xu hướng dùng nước ngầm.

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ năm 2010 cho thấy, tại Cần Thơ tổng lưu lượng khai thác nước ngầm là 188.844 m3/ngày đêm.

Phần lớn nước ngầm được khai thác cho mục đích sinh hoạt (chiếm 53%). Lượng nước cho nông nghiệp và công nghiệp sử dụng lần lượt là 23% và 24%.

Do tốc độ khai thác nước ngầm ở thành phố Cần Thơ lớn hơn tốc độ bổ sung nước ngầm, các đầu thủy lực (áp lực nước ngầm) trong các tầng chứa nước đã liên tục giảm trong những thập kỷ qua.

Các giếng quan trắc cho thấy, cột thủy lực đã đạt mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu quan trắc năm 1991.

Tốc độ bồi lắng quá nhỏ, với lượng phù sa hạn chế do việc xây dựng đập ở thượng nguồn, không bù lại được tốc độ sụt lún, mức độ và tần suất lũ giảm và tình trạng khai thác cát sông là các nguyên nhân dẫn đến lún ròng ở ĐBSCL.

Tốc độ sụt lún cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối, cho thấy tốc độ mực nước biển tương đối chủ yếu là do sụt lún đất, kết hợp với cao trình thấp càng làm cho đồng bằng dễ bị tổn thương. Nếu tình trạng này tiếp tục xả ra, phần lớn diện tích của ĐBSCL có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.

Việc mất độ cao sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt khi triều cường vốn đã gây gián đoạn lớn cho cuộc sống đô thị. Hiện nay ngập theo mùa đã làm ngập nửa thành phố mỗi năm, thiệt hại trực tiếp và gián tiếp được tính là gần 650 USD/gia đình/năm, tương đương 11% thu nhập trung bình của hộ gia đình (số liệu Ngân hàng Thế giới tính toán năm 2019 – PV).

Theo TS Hà Quang Khải (Viện Quản lý nước và Biến đổi khí hậu, Đại học Bách khoa TP HCM), Cần Thơ có khả năng tiếp cận tốt với nước ngọt quanh năm và sụt lún đất được xem là vấn đề quan trọng ở địa phương này, trong đó nội ô là nơi có tốc độ sụt lún cao nhất. Một trong những nguyên nhân gây ra sụt lún là do khai thác nước ngầm quá mức, việc gia tăng cơ sở hạ tầng cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún đất ở các đô thị.

Phần lớn TP Cần Thơ có thể mất toàn bộ độ cao so với mực nước biển vào năm 2100 nếu các hoạt động khai thác nước ngầm tiếp tục theo kịch bản kinh doanh như bình thường. Đối với ngập lụt, nếu việc khai thác nước ngầm tiếp tục không suy giảm, phần lớn TP Cần Thơ sẽ nằm dưới mực nước biển vào năm 2080.

Theo chuyên gia độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện, sụt lún có nhiều nguyên nhân cả tự nhiên và nhân tạo, nhưng trong các tác nhân do con người thì việc khai thác nước ngầm quá mức được xem là nguyên nhân chính.

Trong những năm vừa qua, việc sử dụng nước ngầm đã gia tăng nhiều. Gần đây, hạn hán, ô nhiễm và xâm nhập mặn đã làm trầm trọng thêm việc sử dụng nước ngầm, do thiếu nước sử dụng, đặc biệt là vào mùa khô.

Tại đây, Tiến sĩ Anke Steinel – chuyên gia địa chất, thủy văn (thuộc Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên Liên bang Đức) cho rằng: Nhu cầu về tài nguyên nước không ngừng tăng cao kéo theo việc khai thác càng lớn, cộng với những tác động to lớn từ nước biển dâng, biến đổi khí hậu đã khiến nguồn nước ngầm tại ĐBSCL đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Tình trạng suy giảm mực nước ngầm; sụp lún mặt đất; chất lượng nguồn nước ngầm… Do đó, công tác bảo vệ, quản lý, khai thác nước ngầm đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, sống còn.

Hoàng An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tốc độ sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long là do đâu?