TP. HCM nghiên cứu xây dựng các điểm lưu chứa chất thải sinh hoạt sau phân loại

Minh Minh|12/11/2022 08:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCN đề nghị UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đánh giá, nghiên cứu xây dựng các điểm lưu chứa chất thải sinh hoạt sau phân loại tại khu vực công cộng.

rac.jpg
Ảnh minh hoạ.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện làm việc với các đơn vị thu gom tại nguồn (đặc biệt là lực lượng rác dân lập), đơn vị vận chuyển rác trúng thầu tại địa phương để rà soát lại các phương tiện vận chuyển, các điểm hẹn, trạm trung chuyển... đảm bảo nguyên tắc rác sau khi phân loại phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển riêng biệt đến các cơ sở xử lý.

Tùy theo tình hình thực tế, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đánh giá từng nhóm khối lượng rác sau phân loại phát sinh; năng lực của đơn vị thu gom vận chuyển để nghiên cứu xây dựng các điểm lưu chứa rác sau phân loại tại các khu vực công cộng.

Đối với chất thải tái chế sau phân loại, các địa phương thống kê khối lượng và thành phần rác tái chế sau phân loại phát sinh thực tế tại địa phương, thống kê các cơ sở tái chế đang hoạt động tại địa phương (loại hình tái chế và công suất). Đây là cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát việc các cơ sở tái chế hiện nay có đáp ứng các loại rác tái chế của TP.

Đối với rác thực phẩm, ước tính khối lượng phát sinh thực tế tại địa phương. Đây là nhóm chất thải dễ phân hủy phát sinh mùi và nước rỉ rác. Do đó, việc ước tính khối lượng của nhóm rác này làm cơ sở để xây dựng tần suất thu gom phù hợp cho từng địa phương.

Đồng thời, Sở TNMT giao các đơn vị liên quan thống kê số lượng cơ sở tái chế đang hoạt động và khối lượng chất thải tái chế, chất thải thực phẩm tại địa phương. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng tần suất thu gom rác cũng như cơ sở tái chế nhằm đáp ứng nhu cầu của thành phố.

Động thái trên nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện, dự án Khu công nghệ Môi trường xanh và giải pháp tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố.

Thời hạn chậm nhất các địa phương phải chuyển đổi từ các mô hình phân loại, thu gom hiện tại để thực hiện các dự án trên là ngày 31/12/2024.

Trước đó, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt, có hiệu lực từ 25/8.

Trong khi đó, tình trạng phân loại, xử lý rác thải tại TP.HCM còn nhiều hạn chế. Mới đây, ngày 2/11, lực lượng chức năng đã bắt quả tang một người đàn ông lái xe tải đổ trộm rác thải tại khu đất trống ở phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức (TP.HCM).

Nam tài xế khai được thuê chở rác thải từ quận Bình Thạnh đến khu vực đất trống đổ trộm với giá 200.000-500.000 đồng, tùy chuyến xe có nhiều hay ít rác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. HCM nghiên cứu xây dựng các điểm lưu chứa chất thải sinh hoạt sau phân loại