TP.HCM: Siết chặt kế hoạch trám lấp giếng khoan, hạn chế khai thác nước ngầm

Ngọc Ánh (T/h)|17/06/2019 00:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc khai thác nước ngầm tràn lan và quá mức như hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng lún, sụt, gia tăng nguy cơ ngập nước ở TP HCMcũng như nhiều hệ quả về môi trường.

Sáng ngày 15/6, Công ty CP Cấp nước Gia Định (Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn) phối hợp với UBND quận Bình Thạnh, TP HCM tổ chức lễ tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng trên địa bàn quận.

Hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm với tổng lượng khai thác nước ngầm hơn 700.000 m3/ngày. Dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM còn 100.000 m3/ngày.

TP.HCM lên kế hoạch lấp giếng khoan. Ảnh: Tuổi trẻ

Tại cuộc họp về chống ngập mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cũng đưa ra cảnh báo tình trạng lún nền đất ở TP.HCM trung bình 40mm/năm, có nơi nặng nhất 67mm/năm.

Đó là chưa kể kết quả giám sát chất lượng nước giếng nhiều nơi trên địa bàn TP có nhiều mẫu nước không đạt chất lượng, có thể gây ra các bệnh về đường ruột, thận, nhiễm khuẩn huyết…

Trong sáng cùng ngày, ngoài tổ chức vận động người dân, các lực lượng đã thực hiện việc trám lấp giếng tại nhà một số hộ dân trên địa bàn P.11, Q.Bình Thạnh.

Được biết, các trường hợp đăng ký trám lấp giếng trên địa bàn quận đều được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và miễn phí.

Theo ông Nguyễn Thanh Sử – phó tổng giám đốc Sawaco – cho biết theo kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng do UBND TP ban hành, UBND các quận huyện là đơn vị chủ trì thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, giếng không sử dụng… tại các hộ dân.

Thống kê trên toàn địa bàn TP.HCM hiện nay có khoảng 124.500 trong số 1,46 triệu đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ là 0m3 (không sử dụng) dù được cung cấp nước sạch.

Khai thác nước ngầm quá lưu lượng làm gia tăng nguy cơ sụt lún nền đất

Với việc khai thác nước ngầm tràn lan và quá mức như hiện nay, các chuyên gia về môi trường, địa chất đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ sụt giảm nguồn nước ngầm, dẫn đến nhiều hệ lụy về sụt lún gây ngập nước cũng như nhiều hệ quả về môi trường.

Ngoài ra, theo kết quả giám sát chất lượng nước giếng tại nhiều nơi trên địa bàn TPHCM, nhiều mẫu nước không đạt chất lượng, có thể gây ra các bệnh về đường ruột, gây tiêu chảy, thận, nhiễm khuẩn huyết, tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư.

Ngọc Ánh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP.HCM: Siết chặt kế hoạch trám lấp giếng khoan, hạn chế khai thác nước ngầm