TP. Hồ Chí Minh: Hợp tác để giảm ô nhiễm “trắng”

Hà Phương (T/h)|25/05/2019 00:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Liên minh châu Âu thông qua Mạng lưới Đông Nam Á – châu Âu, làm việc với các cơ quan TPHCM bàn giải pháp thu gom và tái chế nhựa thải trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Thị Quế Lâm, Phó phòng Kiểm tra chất lượng môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho hay trung bình mỗi ngày, môi trường thành phố tiếp nhận rất nhiều loại rác thải với số lượng lớn.

Cụ thể, rác thải sinh hoạt là 9.000 tấn, rác thải nguy hại 300 – 500 tấn, rác thải y tế 22 tấn, rác thải công nghiệp 1.500 – 2.000 tấn, rác thải xây dựng 1.500 – 1.700 tấn.

Ngoại trừ rác thải nguy hại y tế, thì những loại rác thải còn lại đang bị trộn lẫn với nhau và phải xử lý bằng cách đem đi chôn lấp. Nguyên nhân là do một số cơ sở sản xuất kinh doanh lén lút bỏ rác thải ra ngoài môi trường thay vì chuyển giao cho đơn vị thu gom.

Dùng bao nilông gói sản phẩm sẽ gây ô nhiễm môi trường
Ảnh: Thành Trí

Còn với rác thải sinh hoạt không được người dân, hộ gia đình thực hiện phân loại trước khi chuyển giao. Rác tổng hợp không thể xử lý tái chế nên buộc các đơn vị thu gom, xử lý phải đem chôn lấp, gây nguy hại cho môi trường.

Các cơ quan chức năng, do chưa thực hiện điều chỉnh hoạt động thu gom rác đúng với rác đã phân loại, đặc biệt là chưa có điều chỉnh thu gom rác thải nhựa, nên việc thu gom chung tất cả rác thải cũng khiến người dân từ chối thực hiện hoạt động phân loại rác tại nguồn.

Một lượng rác thải tái chế không đáng kể đem bán ve chai từ các hộ gia đình, được các vựa ve chai thu gom và chuyển cho các cơ sở tái chế nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư.

Lợi thế của các cơ sở này là linh hoạt chuyển đổi công nghệ, quy mô và sản phẩm nhưng ngược lại, các cơ sở này không được đầu tư đồng bộ, nhất là khâu xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, tái chế nên đang gây ô nhiễm nặng cho môi trường.

Ông Bùi Trọng Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết, theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về sử dụng và lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.

Chỉ tính riêng tại TPHCM, trong tổng số 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường mỗi ngày, có 1.800 tấn rác thải nhựa. Tuy nhiên, chỉ 20% trong tổng lượng rác thải nhựa thải ra được thu gom và tái chế nhưng bằng công nghệ thô sơ, lạc hậu.

Số rác thải nhựa còn lại chôn lấp cùng rác thải khác. Hiện thành phố cũng như cả nước chưa có doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa nào được đầu tư ở quy mô công nghiệp lớn, đáp ứng yêu cầu tái chế lượng rác thải nhựa đang ngày càng nhiều như hiện nay.

Sự nguy hại của rác thải nhựa không dừng lại việc làm nghẹt hệ thống cống, kênh rạch và suy giảm hệ sinh thái mà còn gây ra những tổn hại cho sức khỏe của con người. Nghiên cứu cho thấy, tình trạng ô nhiễm vi nhựa nằm lẫn trong nguồn nước ngầm, nước mặt và nước uống, thực phẩm, chuỗi thức ăn, chuỗi sản phẩm chăm sóc sức khỏe… đã rất nghiêm trọng. Và theo các chuỗi này, vi chất nhựa sẽ đi vào cơ thể con người, gây nên nhiều bệnh nan y.

Trước thực tế đó, tăng khả năng tái chế rác thải nói chung là biện pháp cấp thiết và hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Và để làm được vấn đề này, trước mắt, cần phải cải thiện việc phân loại và thu gom rác thải theo phân loại.

Ở góc độ chuyên gia, Giáo sư Stephan Salhofer – Đại học Tài nguyên Môi trường Cộng hòa Áo, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ phát triển nền kinh tế tuần hoàn, trong đó có tính đến yếu tố tái chế nhựa. Muốn được vậy, phải có những thể chế chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tái chế rác thải.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, thành phố cần sớm đồng bộ công tác phân loại và cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho hoạt động thu gom rác thải. Riêng tại TPHCM, phải sớm hợp nhất công tác thu gom rác thải giữa lực lượng thu gom rác công lập với dân lập, công lập với công lập để tạo nền tảng đẩy nhanh tiến độ đầu tư trang thiết bị thu gom, vận chuyển hiện đại.

Quan trọng hơn, đẩy nhanh tiến độ công tác tuyên truyền, thu gom rác thải theo phân loại trên toàn địa bàn thành phố để tạo thuận lợi gia tăng tỷ lệ rác thải “trắng” được tái chế.

Hà Phương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hồ Chí Minh: Hợp tác để giảm ô nhiễm “trắng”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.