MOITRUONG.NET.VN – Theo thống kê, trung bình mỗi năm, thiên tai tại Việt Nam làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP.
>>>Thúc đẩy Đóng góp do quốc gia tự quyết định để đối phó với biến đổi khí hậu
>>> Mỹ: 29 người chết, nhiều người mất tích sau bão Michael
Từ đầu năm 2018 đến nay, đã xuất hiện những trận mưa lịch sử, gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, làm 175 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 12.356 tỷ đồng.
Thiên tai xảy ra liên tục từ đầu năm đến cuối năm, trên khắp các vùng miền cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng
Ngài Laurent Umans, Bí thư thứ nhất về Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại sứ quán Hà Lan) cho rằng: Thiên tai là không thể tránh khỏi nhưng chúng ta có thể ngăn nó trở thành thảm họa. Hiện nay, khu vực MêKông đang chìm, đất đang sụt lún 2,5 cm mỗi năm. Lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng, cùng với đó là nước biển dâng 3mm/năm. Đây là sự báo động, mối đe dọa có tính sống còn với khu vực và người dân nơi đây.
Theo ngài Laurent Umans, diễn biến trong 30, 50 hoặc 100 năm nữa, một phần của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị chìm trong nước biển. Hà Lan đã và đang tích cực hỗ trợ Việt Nam thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở ĐBSCL.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường còn có cả nguyên nhân chủ quan do phong tục, tập quán của người dân các tỉnh miền núi thường sinh sống ở các triền đồi, dưới chân núi hay gần các dòng sông, khi có lũ lớn rất dễ xảy ra thiệt hại về người.
Biến đổi khí hậu gây ra những đợt mưa lũ bất thường
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đã đến lúc phải thay đổi nhận thức, hành động theo tầm nhìn dài hạn với tiếp cận quản lý giảm thiểu rủi ro thiên tai tổng hợp dựa trên nền tảng luật pháp, chính sách hoàn chỉnh, sự hỗ trợ của khoa học công nghệ tiên tiến, các công cụ tài chính tương thích và nhận thức của người dân.
Theo đó, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan; tổ chức rà soát, đề xuất chính sách tránh chồng chéo, giảm thiểu xung đột về lợi ích ngành, vùng và địa phương, tạo động lực để nhân dân và khu vực tư nhân tham gia.
Đặc biệt, chính sách cần tạo khuôn khổ để người dân nâng cao hiểu biết và tiếp cận đầy đủ thông tin rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng thực hiện của người dân, thúc đẩy hợp tác công-tư và hướng sự đầu tư tập trung nhiều hơn cho công tác chuẩn bị, phòng ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Hà Thu (T/h)