Trữ lượng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đang cạn dần

Hồng Tú|01/10/2023 11:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo kết quả nghiên cứu, với tốc độ khai thác cát hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 35-55 triệu m3/năm, trữ lượng cát này sẽ hoàn toàn cạn kiệt trước năm 2035.

Ngày 29/9/2023, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) đã công bố kết quả nghiên cứu ngân hàng cát cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại buổi công bố, ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia Dự án Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long của WWF Việt Nam cho biết đây là ngân hàng cát đầu tiên trên thế giới được thực hiện trên quy mô toàn đồng bằng và được khởi động từ tháng 3/2022, gồm các hoạt động khảo sát thực địa, thu thập các dữ liệu trên hai nhánh sông chính là sông Tiền và sông Hậu để ước tính trữ lượng cát hiện có ở Đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn 2030-2040.

dbscl.jpg
Ảnh minh họa

Sau gần 20 tháng đo đạc, khảo sát, phân tích trên chiều dài hơn 550km. Hàng trăm năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long còn trên dưới 500 triệu m3 cát.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc khai thác và bù đắp cát cho đồng bằng hiện nay chênh lệch cực lớn. Bình quân mỗi năm cát ở Đồng bằng sông Cửu Long bị khai thác từ 35 - 55 triệu m³. Trong khi lượng cát bồi đắp từ thượng nguồn chỉ từ 2 - 4 triệu m³/năm. Bên cạnh đó, lượng cát rời khỏi đồng bằng đổ ra Biển Đông được ghi nhận từ 0 - 0,6 triệu m3/năm.

WWF - Việt Nam cho rằng số liệu của bộ dựa trên trữ lượng thăm dò tại các khu vực mỏ cát, có tiềm năng khai thác. Con số 367 - 550 triệu m³ là toàn bộ cát còn lại dưới các đáy dòng sông chính ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trữ lượng cát còn lại ở đáy các dòng sông được công bố không đồng nghĩa với việc đoạn sông nào cũng có cát. Ví dụ, tại Tân Châu có đến 90% bề ngang đáy sông có cát. Nhưng giữa sông Hậu tại TP Cần Thơ chỉ có khoảng 50% bề ngang đáy sông có cát. Có những vị trí lớp cát chỉ phủ 20 - 30cm. WWF khuyến cáo không phải toàn bộ trữ lượng cát có thể khai thác.

Qua các dữ liệu trên có thể thấy bình quân mỗi năm lượng cát sông Mê Kông bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long chỉ bằng 1/15 lượng cát bị khai thác khỏi lòng sông. Hay nói cách khác, cán cân bồi đắp và khai thác cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đang mất cân bằng và thâm hụt bình quân lên đến hơn 42 triệu m3 cát/năm. Điều này cho thấy gần như không có giải pháp nào có thể bù đắp được lượng cát thâm hụt này.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết kết quả bước đầu dự án cho thấy tầm quan trọng của việc quản lý khai thác cát đối với sự phát triển xã hội, cũng như sinh kế người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dữ liệu của dự án sẽ được các bộ, ngành chức năng, địa phương nghiên cứu. Đề xuất kế hoạch, phương án phát triển kinh tế xã hội, dân sinh bền vững, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trữ lượng cát ở Đồng bằng sông Cửu Long đang cạn dần