Vào sáng 26/12/2004, một ngày sau lễ Giáng sinh, trận động đất 9,1 độ richter ngoài khơi phía bắc đảo Sumatra gây ra cơn sóng thần cao tới 17,4 m, quét qua các khu vực ven biển của Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và 9 quốc gia khác.
Hơn 220.000 đã thiệt mạng trong thảm họa kinh hoàng, trong đó 170.000 người ở Indonesia, nơi chịu thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên, số người chết thực tế có thể cao hơn do nhiều người còn mất tích hoặc chưa được xác định danh tính. Thành phố Banda Aceh thuộc tỉnh Aceh là nơi chứng kiến số thương vong lớn nhất ở Indonesia. Nhiều ngôi mộ với hàng chục thi thể được phát hiện ở khu vực này trong năm qua.
Hình ảnh sau vụ sóng thần năm 2004. Ảnh: Getty
Trận sóng thần có sức hủy diệt tương đương 23.000 quả bom nguyên tử từng thả xuống Hiroshima, Nhật Bản và được xem là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử.
Các đài tưởng niệm ở tỉnh Aceh của Indonesia đều có kế hoạch tổ chức buổi lễ. Tại Thái Lan, nơi có hơn 5.300 người thiệt mạng trong thảm họa, các quan chức đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm và kêu gọi người dân nâng cao nhận thức về thảm họa.
Tại Ấn Độ, nơi có hơn 10.000 người chết trong thảm họa sóng thần, người dân cũng tổ chức buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân. Hơn 35.000 người đã thiệt mạng ở Sri Lanka khi cơn sóng thần quét qua.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia là một trong những quốc gia chịu nhiều thảm họa thiên nhiên nhất thế giới. Quốc đảo Đông Nam Á này trải qua ba thảm họa thiên nhiên trong vòng 6 tháng của năm 2018. Đầu tiên là trận sóng thần tấn công Palu trên đảo Sulawesi khiến 2.200 người thiệt mạng và hàng nghìn người mất tích. Sau đó, các trận động đất liên tiếp trên đảo Lombok đã cướp đi tính mạng của hàng trăm người. Cuối cùng là trận sóng thần đánh vào eo biển Java và đảo Sumatra vào tháng 12 năm ngoái, khiến hàng trăm người chết và hơn 14.000 người bị thương.
Mai Anh (t/h)