Theo Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), tính đến nay, cả nước có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên việc đấu nối, thu gom và xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn nên tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt ở mức thấp, khoảng 13%”.
Ảnh minh họa
Điều đó cũng rất rõ với Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 5.735,44 km cống rãnh; 254,2 km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 110.025 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính. Hiện nay thành phố đã có 6 nhà máy xử lý nước thải đưa vào hoạt động gồm: Kim Liên (công suất 3.700 m3/ngày đêm), Trúc Bạch (công suất 2.300 m3/ngày đêm), Bảy Mẫu (công suất 13.300 m3/ngày đêm), Yên Sở (công suất 200.000 m3/ngày đêm), Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m3/ngày đêm), Hồ Tây (15.000 m3/ ngày đêm). Các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.
Còn tại TPHCM, nước thải đô thị cũng là vấn đề nhức nhối. Ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị ở thành phố này phát sinh khoảng 1.579.000 m3/ngày đêm. Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại – dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624 m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 21,2%).
Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Theo PGS. TS Nguyễn Việt Anh- Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE), việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân.
Hà Châu (T/h)