Chiều ngày 14/8, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng xảy ra mưa lớn với lượng mưa đo được tại một số trạm đo mưa ở khu vực ven biển dọc các trục đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa từ 14,4 - 20mm trong chưa đầy 30 phút. Tại các cửa xả nước mưa ra biển dọc đường Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sa đoạn từ phía bắc Công viên Biển Đông đến Bãi Ngang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), không có hiện tượng nước mưa trộn lẫn nước thải chảy tràn ra bãi biển, hoặc có rỉ ra nhưng được giữ lại ở bên trong đập cát được đắp ở sát các cửa van. Nguyên nhân là dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà đã đưa vào hoạt động, nước mưa đợt đầu lẫn nước thải được bơm về Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2) để xử lý.
Ông Nguyễn Xuân Đinh, đại diện đơn vị vận hành Trạm xử lý nước thải Sơn Trà (giai đoạn 2) cho biết, trong chiều và tối 14/8, bên cạnh nước thải sinh hoạt, trạm đã tiếp nhận và xử lý hoàn toàn khoảng 13.000m3 nước mưa trộn nước thải từ khu vực ven biển quận Sơn Trà, trong đó ước khoảng 8.000m3 nước mưa.
Theo tính toán thiết kế, hệ thống thu gom nước thải của dự án có thể thu gom được lượng nước mưa phát sinh trong đợt mưa đầu (tối đa khoảng 30 phút) nhờ hệ thống cống có đường kính 1,8m, 2,2m và 2,4m. Sau khi nước mưa đợt đầu được thu gom và không để chảy ra biển, nếu trời vẫn tiếp tục mưa thì lúc này các vị trí trên mặt đường, sân đã cơ bản được nước mưa làm sạch, nước mưa trong hòa trộn với nước thải chảy về nếu vượt quá công suất xử lý của trạm thì phần vượt công suất được cho chảy ra âu thuyền Thọ Quang và không còn màu đen của nước thải.
“Hệ thống thu gom của dự án Cải thiện môi trường nước phía đông quận Sơn Trà thu gom và xử lý được lưu lượng nước cao gấp 2,5 lần lưu lượng nước thải trung bình phát sinh của ngày không mưa. Theo thiết kế, nếu sau đó trời còn mưa với lưu lượng nước về cao hơn mức trên thì nước thải đã bị nước mưa pha loãng tương đương hơn chuẩn B, đủ điều kiện để xả ra âu thuyền Thọ Quang”, ông Nguyễn Xuân Đinh chia sẻ.
Với lượng mưa như chiều 14/8, cửa xả Mỹ Khê không có hiện tượng nước chảy tràn ra biển. Còn tại cửa xả Mỹ An, một cửa van đã bung mở để chảy tràn rất nhiều nước ra biển, nhưng sau khi hết mưa 15 phút, nước chỉ chảy ra đục, không có màu đen. Cán bộ phụ trách Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn (thuộc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng) cho biết, gần đây đơn vị thường xuyên nghiên cứu, theo dõi và áp dụng các mô hình dự báo thời tiết... để kịp thời ứng phó sự cố nước mưa trộn nước thải chảy tràn ra biển. Sau khi nhận định mưa có cường độ lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn, chiều 14/8, đơn vị đã huy động 1 xe múc đến cửa xả Mỹ Khê sớm và múc thêm nhiều cát gia cố 2 cửa van có dấu hiệu sụt cát, sắp xảy ra sự cố. Nhờ vậy, cửa xả Mỹ Khê không bị bung mở cửa van do áp lực nước chảy về dâng cao trong cống. Còn đối với cửa xả Mỹ An, đến tối cùng ngày, vẫn còn nhiều nước đục chảy ra biển do diện tích lưu vực quá rộng (gần 200ha), nếu 1 cửa van đó không bung mở thì rất có thể nước tràn lên gây ngập những nhà dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ chưa được đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước riêng Mỹ Khê - Mỹ An và một số tuyến đường, tầng hầm...
Về lý thuyết, sau khi thu gom được nước mưa đợt đầu trộn nước thải, nếu vẫn còn mưa thì nước thải đã bị nước mưa pha loãng có thể đạt được quy chuẩn xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, thực tế, trong cống có nhiều nước thải sinh hoạt, nhiều thành phần chất thải bị phân hủy có màu đen, nhiều mỡ thực phẩm bị phân hủy tích tụ thành cục... và trôi ra biển khi mưa lớn, gây ô nhiễm bãi biển. Do đó, hiện nay, bên cạnh tăng cường công tác trực, phòng ngừa, xử lý sự cố nước mưa trộn nước thải tràn ra các bãi biển, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng tăng cường nạo vét bùn trong cống, kiểm tra và bảo dưỡng các máy bơm để bảo đảm vận hành bình thường...
Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng và các địa phương vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hộ dân... đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước riêng Mỹ Khê - Mỹ An vừa được xây dựng hoàn thành để giảm thiểu nước thải sinh hoạt chảy vào hệ thống cống thoát mưa. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, thông báo cho các hộ dân, hộ kinh doanh không đổ các chất thải xuống cống thoát nước mưa để hạn chế chất bẩn trong cống. Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cũng đang lập hồ sơ, nội dung đề xuất đầu tư dự án xây dựng tuyến cống chuyển dòng nước mưa trên lưu vực của 2 cửa xả Mỹ Khê và Mỹ An với diện tích gần 400ha về sông Hàn với kinh phí đầu tư ước tính gần 400 tỷ đồng.
“Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với đơn vị tư vấn tính toán liên quan đến lưu vực, chế độ thủy văn... để đề xuất đầu tư dự án”, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng Lê Thành Hưng cho biết.
Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho biết, tại khu vực ven biển phía Đông được thành phố đầu tư hệ thống thu gom nước thải.
Hệ thống này được đầu tư theo hình thức thoát nước nửa riêng, nước thải được thu gom về mùa khô; về mùa mưa hoặc khi có mưa lớn, nước thải và nước mưa hòa lẫn, xả ra môi trường.
Tuy nhiên, do tốc độ phát triển thương mại dịch vụ tại khu vực này tăng rất nhanh nên từ năm 2017 đã xuất hiện tình trạng quá tải, nước thải thường xuyên đổ ra biển, kể cả khi không xảy ra mưa, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Để xử lý tình trạng trên, năm 2018, TP.Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư thí điểm hạng mục Hệ thống thu gom nước thải riêng lưu vực Mỹ Khê - Mỹ An thuộc dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, giao BQL các dự án đầu tư CSHT ưu tiên điều hành dự án. Phạm vi của dự án có diện tích khoảng 363 ha, chạy dọc ven biển.
Hệ thống mới này được hoàn thành và nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 1/2022, khi vận hành sẽ tách hoàn toàn nước thải của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ gia đình để thu gom riêng và chuyển về Trạm xử lý nước thải; còn nước mưa sẽ được xả qua các cửa cống ven biển.
Tuy nhiên theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, hệ thống mới vẫn chưa bàn giao cho đơn vị chức năng quản lý, khai thác. Lý do là chưa hoàn thành đấu nối toàn bộ lượng nước thải phát sinh của lưu vực vào hệ thống thu gom mới (hiện còn hơn 60 hộ dân và 90 cơ sở kinh doanh chưa đấu nối); xảy ra tình trạng hở mối nối gây sụt lún, hư hỏng mặt đường tại một số vị trí, đặc biệt tại các vị trí ống nhựa kết nối vào hố ga...
Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết, để xử lý tình trạng nước thải chảy tràn ra biển, Thành phố sẽ vận động người dân, doanh nghiệp triển khai đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước riêng; xác định cụ thể số lượng hộ thoát nước của toàn bộ lưu vực Mỹ Khê, Mỹ An chưa được đấu nối vào hệ thống thoát nước riêng, hoàn thành trong tháng 7/2023. Trên cơ sở đó, đề nghị các hộ thoát nước phải tiến hành đấu nối, hoàn thành chậm nhất trong tháng 9/2023.