Vai trò và thực trạng phát triển cây xanh đô thị

Hoàng Anh|09/12/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hệ thống cây xanh và không gian xanh đô thị được ví như lá phổi của đô thị và là thành tố quan trọng trong cấu trúc đô thị. Chính hệ thống này có vai trò bảo vệ môi trường sống, giúp cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan và gắn bó mật thiết với sự phát triển của đô thị.

Vai trò của Cây xanh trong phát triển đô thị

Công viên, cây xanh có thể coi là lá phổi của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người và môi trường đô thị, là một bộ phận trong hệ sinh thái tự nhiên, giúp cải thiện môi trường sống, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, kiến tạo cảnh quan và tạo ra các không gian công cộng giúp kết nối cộng đồng.

Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, số lượng, chất lượng, chỉ tiêu đất công viên cây xanh trên đầu người là thước đo cho sự phát triển, văn minh, chất lượng sống của từng đô thị, thành phố và quốc gia.

cay-xanh-do-thi-1-.jpg
Công viên, cây xanh có thể coi là lá phổi của đô thị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người và môi trường đô thị

Trong hơn 20 năm qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh. Đến hết tháng 10/2022, hệ thống đô thị của Việt Nam có 888 đô thị (gồm 02 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV và các đô thị loại V); tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 41% (tăng trung bình mỗi năm 1%).

Trong quá trình phát triển, các đô thị ở Việt Nam đã và đang gặp phải những thách thức rất lớn về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là thiếu các công viên cây xanh để nâng cao chất lượng môi trường sống, điều hòa không khí và tạo không gian cảnh quan.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6-8 m2/người; đến năm 2030 đạt khoảng 8 - 10 m2/người. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của cây xanh trong phát triển đô thị ở Việt Nam.

Thực trạng cây xanh đô thị trên cả nước


Quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ trên cả nước, nhiều công trình kiến trúc mới xuất hiện nhanh chóng trong không gian đô thị. Trong khi đó, hệ thống cây xanh đô thị hiện vẫn còn kém về hình thức và chất lượng cây trồng. Với tầm quan trọng của hệ thống cây xanh trong sự phát triển của môi trường sống nói chung và sự phát triển đô thị nói riêng, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021.

Trước đó, trong năm 2021, Bộ đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn thực hiện quy định về quản lý cây xanh theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị và triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ.

Theo số liệu tổng hợp, tính đến tháng 12/2021, cả nước đã có 869 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 32 đô thị loại II, 48 đô thị loại III, 91 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V. Thống kê sơ bộ từ các địa phương trên cả nước thì tổng diện tích đất xây dựng theo quy hoạch khoảng trên 6 triệu ha, diện tích đất cây xanh khoảng trên 70 nghìn ha, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% (thấp hơn so với quy chuẩn đặt ra).

cay-xanh-do-thi-2-.jpg
Tổng diện tích đất cây xanh đô thị theo quy hoạch khoảng trên 70 nghìn ha, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% diện tích đất xây dựng đô thị.

Trên cả nước đã có 55/63 địa phương đã ban hành quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị. Một số địa phương, đô thị cũng đã ban hành danh mục cây trồng, cây cần bảo tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trên địa bàn theo phân công, phân cấp. Đồng thời, cũng đã tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn… theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP và các quy định về đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật, đối với công tác quản lý cây xanh đô thị, khu công nghiệp, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật có những kết quả tích cực. Một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh như: Thủ đô Hà Nội khoảng 1 triệu cây xanh bóng mát, Đà Nẵng khoảng 350 nghìn cây (năm 2015), Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 236 nghìn cây (theo số liệu quản lý của các đơn vị trên địa bàn, năm 2019), thành phố Vũng Tàu khoảng 38 nghìn cây, thành phố Quy Nhơn khoảng 54 nghìn cây, các đô thị tỉnh Bình Phước khoảng 43 nghìn cây…

Bên cạnh đó, cây xanh trong các khu công nghiệp chủ yếu được trồng theo quy hoạch được duyệt trong quá trình xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tuân thủ quy hoạch chi tiết, ngoài phần diện tích trồng cây xanh của khu công nghiệp thì trong các nhà máy, chủ đầu tư cũng bố trí tỷ lệ đất cây xanh khoảng 20% khi triển khai dự án như tại tỉnh Hưng Yên, Đồng Nai, Quảng Trị và một số địa phương khác.

Trong khi đó, tại các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật của nhiều địa phương đều bố trí diện tích để trồng cây xanh cách ly có khả năng thích nghi tốt, sinh trưởng nhanh, tán cây phù hợp với mục tiêu cách ly công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật với không gian xung quanh.

Công tác quản lý phát triển cây xanh đô thị ở Việt Nam

Các quy định, chính sách liên quan đến quản lý phát triển cây xanh đã được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương ban hành cùng với các chương trình, đề án cụ thể, bao gồm: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản dưới Luật; Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị; Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị; Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan;…

Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về quản lý cây xanh đô thị, đặc biệt là Nghị định số 64/2010/NĐ-CP sau hơn 10 năm thực thi đã bộc lộ những hạn chế, một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn phát triển đô thị cũng như còn chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác có liên quan.

Theo pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch công viên, cây xanh là một nội dung trong đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đô thị. Diện tích đất cây xanh trong các đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt đều đảm bảo theo quy chuẩn đặt ra.

Theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích đất cây xanh đô thị theo quy hoạch khoảng trên 70 nghìn ha, chiếm tỷ lệ hơn 1,2% diện tích đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư phát triển công viên, cây xanh theo quy hoạch đô thị còn chậm nên thực tế hiện nay diện tích cây xanh bình quân đầu người tại nhiều đô thị chưa đạt mức tối thiểu như Hà Nội chỉ đạt khoảng trên 2 m2/người, TP. Hồ Chí Minh đạt chưa tới 1 m2/người, Hải Phòng đạt khoảng 3,4 m2/người; trong khi mức tiêu chuẩn ở đô thị loại 1 là 6 - 7 m2/người, chỉ tiêu tối thiểu của Liên hợp quốc là 10 m2/người.

Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm hơn đến phát triển công viên, cây xanh đô thị. Đến nay, có 55/63 địa phương đã ban hành quy định về phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn.

Một số địa phương, đô thị cũng đã ban hành danh mục cây trồng, cây cần bảo tồn, cây nguy hiểm, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế trên địa bàn theo phân công, phân cấp; tổ chức lựa chọn đơn vị thực hiện dịch vụ về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn,… theo quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác.

Tại một số đô thị lớn đã có những chương trình, đề án phát triển cây xanh như Hà Nội khoảng 1 triệu cây xanh bóng mát, Đà Nẵng khoảng 350.000 cây (năm 2015), TP. Hồ Chí Minh khoảng 236.000 cây (theo số liệu quản lý của các đơn vị trên địa bàn, năm 2019), TP. Vũng Tàu khoảng 38.000 cây, Thành phố Quy Nhơn khoảng 54.000 cây, các đô thị tỉnh Bình Phước khoảng 43.000 cây,…

Qua khảo sát, đánh giá tình hình tại một số địa phương cho thấy công tác quản lý phát triển cây xanh còn những tồn tại, hạn chế, bất cập chính như sau:

- Các đô thị hầu hết chưa có kế hoạch đầu tư lâu dài các quỹ đất đã được quy hoạch công viên, cây xanh. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, đặc biệt với các quỹ đất cây xanh còn xảy ra tại một số địa phương trong quá trình phát triển đô thị, kinh tế xã hội.

- Cơ sở dữ liệu về hệ thống cây xanh đường phố và cây xanh công viên ở các đô thị còn thiếu, chưa đầy đủ. Các số liệu quản lý cơ bản của công viên chưa hoàn chỉnh như ranh giới, quyền sử dụng, quy hoạch tổng mặt bằng, bản vẽ, dữ liệu số hóa,...

- Việc đầu tư và trồng, chăm sóc, duy trì công viên, cây xanh đô thị chủ yếu vẫn sử dụng nguồn vốn nhà nước để; chưa thu hút được sự quan tâm của các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, nguồn vốn tư nhân và các nguồn vốn xã hội khác tham gia.

- Công tác kiểm tra, đánh giá về năng lực quản lý, chăm sóc, trồng cây xanh còn thiếu. Việc phát triển các loại cây giống và trồng cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, từng địa phương còn hạn chế.

- Tình trạng xâm hại cây xanh tiếp diễn thường xuyên (cố ý hủy hoại, chặt hạ cây xanh; xâm hại do thi công vỉa hè, thi công ngầm hóa đường dây, đường ống;...).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò và thực trạng phát triển cây xanh đô thị