Với xu hướng du lịch trong nước và quốc tế, nhất là khi đến các tỉnh duyên hải miền Trung thì du khách thường muốn ăn hải sản, nên nguy cơ và tỷ lệ mắc dị ứng sẽ nhiều hơn.
Hải sản là nhóm thức ăn dễ gây dị ứng nhiều nhất trong số các trường hợp bị dị ứng thực phẩm. Về nguyên nhân và cơ chế gây dị ứng cũng chưa được hiểu một cách thấu đáo. Tuy nhiên, ngoài dị ứng với các hải sản, một số độc tố có sẵn hoặc diễn ra trong quá trình bảo quản thực phẩm biển cũng khiến cho người tiêu dùng dễ bị ngộ độc và dị ứng hơn.
Có rất nhiều loại hải sản có thể gây dị ứng như cua, tôm, ghẹ, các
loại cá (cá nhám, cá ngừ, cá kiếm, cá mú,...), nghêu, sò, sìa, mực,
ốc... Đối tượng nguy cơ cao dễ bị dị ứng với hải sản chính là trẻ em nhỏ, người cao tuổi, người mắc một trong các bệnh dị ứng như bệnh hen suyễn, chàm, phát ban đỏ dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa hoặc trong gia đình có nhiều người (bố mẹ, anh, chị, em) có cơ địa dị ứng.
Có thể giải thích vấn đề này là do hải sản có chứa nhiều loại protein bổ dưỡng nhưng cũng có những protein lạ; hoặc độc tố do trong quá trình chế biến, xử lý và đánh bắt chúng tiết ra gây dị ứng; hoặc khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên thực sự, gây đáp ứng miễn dịch xảy ra và dẫn đến dị ứng hay nói đúng hơn là những kháng nguyên này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng.
Chất gây dị ứng có trong hải sản khi vào cơ thể sẽ gây ra phản ứng quá mẫn. Đầu tiên, cơ thể sản sinh ra một loại kháng thể chống lại chất gây dị ứng trong thức ăn.
Nếu tiếp tục ăn, chất dị ứng sẽ thúc đẩy kháng thể này kết hợp với
các tế bào của hệ miễn dịch để tạo ra các loại histamin và các histamin sinh ra trong các tổ chức, cơ quan khác nhau sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau (biểu hiện triệu chứng hắt hơi, ngạt mũi, khó nuốt, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, ngứa, mề đay...).
Biểu hiện của dị ứng hải sản rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn vài giờ, thậm chí chỉ chục phút. Nhẹ thì nổi mề đay, ngứa, nôn nao khó chịu, thông thường vài giờ sau, các triệu chứng sẽ "lặn đi". Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nặng với các biểu hiện thần kinh như đau đầu, chóng mặt, ngất và hôn mê; tổn thương niêm mạc như phù nề niêm mạc mắt, mũi, miệng; các triệu chứng hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản; biểu hiện đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa. Đặc biệt là sốc phản vệ khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp.
Phản ứng dị ứng không phụ thuộc số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào mức độ mẫn cảm của từng người. Các trường hợp tối cấp như co thắt thanh quản, sốc phản vệ có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi thấy người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ do dị ứng thức ăn hay dị ứng hải sản ăn vào buổi cơm trước đó, cần gây nôn cho bệnh nhân và đưa họ tới bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất. Không tự ý dùng thuốc bởi sẽ càng làm nguy hiểm cho bệnh nhân, nhất là người cao tuổi và trẻ em.
Để phòng ngừa dị ứng hải sản cần lưu ý một số vấn đề như: Ăn
chín uống sôi; Tuyệt đối tránh ăn cá mực hoặc các loại cá biển còn sống, tái hay chưa nấu chín, nhất là cá hồi, cá mòi, cá thu; Không ăn hải sản cùng với thực phẩm giàu vitamin C vì hải sản chứa hàm lượng lớn asen pentavenlent; Không nên ăn các hải sản được đánh bắt ở vùng có thủy triều đỏ; Khi ăn những món hải sản lạ thì nên thử từng ít một…