Theo đó, mới đây, các khu vực Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Bà đã được Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức hoàn thành đợt 1 thu gom rác thải tích tụ dưới biển trong các rạn san hô, rừng ngập mặn.
Đại diện Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, rác thu gom chủ yếu là lưới, dây thừng, bao bì, cọc phao… sử dụng trong đánh bắt hải sản bị vùi lấp sâu dưới biển, cuốn vào rạn san hô, thảm thực vật dưới biển, giăng mắc trong rừng ngập mặn.
Trong điều kiện biển động, dòng chảy mạnh, các đội thợ lặn 6 - 8 người xuống khu vực sâu trung bình 5 - 7 m, nhặt bao bì, cọc phao, dây thừng, lon bia, dùng kéo cắt lưới sử dụng trong đánh bắt hải sản bị vùi lấp, cuốn vào các rạn san hô, thảm thực vật ở đáy biển. Nghiệm thu sơ bộ khối lượng rác thu gom được đến chiều 7/8 là hơn 2,1 tấn.
Rác thải sau khi thu gom được phân loại, đóng bao vận chuyển vào bờ, chuyển giao cho một số đơn vị, cá nhân có nhu cầu tận dụng, tái chế. Đối với rác thải không tận dụng, tái chế sẽ tập kết về Khu xử lý rác tập trung tại Bãi Nhát - Bến Đầm để đốt.
Vườn Quốc gia Côn Đảo khảo sát tổng diện tích các bãi biển, rừng ngập mặn có rác thải đại dương khoảng 17,8 ha. Tổng diện tích các rạn san hô có rác tích tụ khoảng 600 ha. Việc thu gom, xử lý rác tích tụ ở các bãi biển, rạn san hô và rừng ngập mặn thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Côn Đảo nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống cho các loài động thực vật, sinh vật biển, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý tốt hơn khu Ramsar Vườn Quốc gia Côn Đảo, góp phần triển khai thực hiện đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo”.
Kế hoạch sẽ triển khai đợt 2 tiếp tục từ tháng 9 đến hết năm 2024. Kế đến năm 2025, dựa theo điều kiện thời tiết, Vườn Quốc gia Côn Đảo sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt thu gom và xử lý và làm sạch sâu dưới đại dương. Mục tiêu đề ra là thu gom và xử lý khoảng 20% rác thải nhựa tích tụ dưới các rạn san hô và hơn 50% rác thải nhựa đại dương trôi tấp vào các bãi biển thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Côn Đảo.