WWF tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học

Ngọc Ánh|19/02/2022 08:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ngày 18/2, WWF-Việt Nam ra thông cáo trong đó đánh giá cao các cam kết về đa dạng sinh học Việt Nam gần đây đã thể hiện trên các diễn đàn toàn cầu và sự kiên định trong nỗ lực đưa quốc gia phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, với nền nông nghiệp sinh thái thuận hòa với thiên nhiên.

Trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 19/2, ông Prasanna De Silva, Giám đốc điều hành WWF toàn cầu cho biết: “Chúng tôi vô cùng ấn tượng với những cam kết đầy tham vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đưa ra trong bản Cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về thiên nhiên, mục tiêu về net Zero tại COP26 và trách nhiệm minh bạch, bền vững của Việt Nam trong vai trò của nhà cung cấp lương thực, thực phẩm tại Hội nghị thượng đỉnh của hệ thống lương thực, thực phẩm của Liên hợp quốc”.

“WWF cam kết tiếp tục đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, là các Bộ đang giữ vai trò chủ chốt trong việc tham mưu và thực hiện các chính sách và kế hoạch về đa dạng sinh học của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi đầy thách thức và cơ hội này. Cần tập trung vào những thay đổi cần thiết cho khung chính sách và thực thi chính sách, đẩy mạnh sự tham gia của khối tư nhân và bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng cho các bên liên quan, bao gồm các cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam,” ông Prasanna nói.

 Ký kết hợp tác giữa WWF và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Prasanna đã cùng với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường thể hiện sự đồng lòng và cam kết thông qua việc ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác, lần lượt vào ngày 14 và ngày 16/2 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, Việt Nam cần có một cuộc cách mạng nông nghiệp, đây là cuộc cách mạng không đánh đổi chi phí, kể cả chi phí hữu hình và vô hình, trong đó phải kể đến các chi phí đa dạng sinh học và môi trường.

“Chúng tôi đánh giá cao vai trò đi đầu của WWF trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho con người, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, tư vấn các giải pháp và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết các thách thức của quá trình phát triển quốc gia và ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực lâm nghiệp mà hai bên đang hợp tác rất tốt và hiệu quả”, Bộ trưởng phát biểu tại lễ ký kết.

Cũng trong tuần này, WWF và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức “Diễn đàn Chính sách cao cấp: Phương pháp Tiếp cận mới cho cảnh quan nông nghiệp bền vững”.

Diễn đàn đã chia sẻ những mô hình thành công tại Việt Nam cũng như trên thế giới về sử dụng các nguyên tắc như triệu tập đa bên, đa chức năng, bảo vệ vốn tự nhiên, chia sẻ lợi ích và tài chính bền vững của các chuyên gia thuộc mạng lưới WWF và các đối tác của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội thảo có sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà chính sách về phát triển và bảo tồn, và các lãnh đạo của 13 tỉnh thành miền Tây.

Đối với hợp tác giữa WWF và Bộ Tài nguyên và Môi trường, đây là bản ghi nhớ mở rộng thiết lập mốc hợp tác mới so với bản ghi nhớ hai bên đã cam kết năm 2019. Trước một loạt những cam kết quốc tế, luật và chiến lược mới, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà kêu gọi sự đổi mới hợp tác tương lai.

“Trong thời gian vừa qua, hai bên đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình, dự án có hiệu quả cao, được Chính phủ và các Bộ, ngành của Việt Nam đánh giá cao trong lĩnh vực đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.

“Trong thời gian tới, trước những đòi hỏi phải thay đổi cấp bách, chúng tôi mong muốn hợp tác sẽ tập trung vào xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ và mô hình bảo tồn gắn liền với phát triển đã được thực hiện thành công qua các chương trình của WWF, sự hiểu biết đầy đủ về tài chính xanh cũng như cách thức huy động nguồn tài chính này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Hai bên cũng nhất trí phương pháp tiếp cận bảo tồn cần được chuyển đổi sang gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt ưu tiên đến sinh kế của người dân địa phương khu vực bảo tồn.

Bản ghi nhớ mở rộng được đưa ra trong tình trang khẩn cấp toàn cầu mà nguyên nhân chính là mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và đại dịch truyền từ động vật hoang dã sang con người. Theo báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF năm 2020, chỉ trong vòng 50 năm qua, số lượng quần thể các loài hoang dã đã giảm 68%. Ở khu vực sông Mê Công, khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Cửu Long, sản lượng đánh bắt cá tự nhiên đã giảm 78% trong giai đoạn 2000 tới 2015. Và có rất nhiều con số khác về mất mát sinh cảnh, thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, báo động chúng ta phải hành động khẩn cấp trên quy mô toàn cầu với sự quyết tâm của từng quốc gia, từng khu vực.

Hiện nay, WWF đang hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan trực thuộc hai bộ và các đối tác thực hiện 32 dự án, giá trị hơn 58 triệu USD.

Ngọc Ánh

Bài liên quan
  • Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái biển
    Moitruong.net.vn – Môi trường biển có hệ sinh thái rạn san hô rất quan trọng, là cơ sở để giữ cho vùng biển giàu có về nguồn lợi hải sản, tạo ra quần thể sinh vật biển phong phú, được coi là ngôi nhà chung của các loài hải sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WWF tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học