Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chương trình bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW là xây dựng đồng bằng Sông Hồng thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Các chỉ tiêu cụ thể Vùng phấn đấu đến năm 2030 gồm: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm; GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47%, dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%.GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm… Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở thành thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 85%; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính.
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng Sông Hồng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về: Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; Phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…
Đặc biệt, Chương trình hành động nêu rõ các giải pháp phát triển kinh tế vùng theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, xã hội số thích ứng biến đổi khí hậu; lấy công nghiệp, dịch vụ hiện đại tiếp tục và nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế. Phát triển kinh tế số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp.
Nhóm các giải pháp về quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu tập trung vào các nội dung gồm:
Một là, phát triển kinh tế đi đôi với tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước. Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ít phát thải khí nhà kính, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Hai là, tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia như Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Cát Bà, Vườn Quốc gia Xuân Thủy… Áp dụng các giải pháp tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học nhằm dựa vào thiên nhiên để phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; giải quyết các sự cố, phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chủ động thích ứng với tình trạng nước biển dâng.
Ba là, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững theo quy định của pháp luật. Nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở dữ liệu địa chính toàn vùng.
Bốn là, bảo đảm an ninh, an toàn nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực sông Hồng, sông Đà, sông Lô và cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực các công Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải…. Hoàn thành việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng giai đoạn 2021-2030. Huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ vùng đồng bằng Sông Hồng chuyển đổi năng lượng và thích ứng biến đổi khí hậu.
Năm là, tập trung giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các đô thị khác, nhất là rác thải, khí thải, ô nhiễm nước các sông trong nội đô, đặc biệt là sông Tô lịch và các làng nghề khu vực nông thôn. Kiên quyết di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thành, đông dân cư.
Sáu là, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chất thải, nước thải đạt quy chuẩn gắn với các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Từng bước hiện đại hóa cơ sở dữ liệu địa chính của toàn vùng. Xây dựng, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia để định hướng vị trí, quy mô khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung cấp vùng; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư phát triển các khu xử lý rác thải, nước thải và phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt.