Xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch

Vân Khánh|15/04/2022 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông dùng nhiên liệu hóa thạch hoặc gây ô nhiễm môi trường.

Loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch thúc đẩy phương tiện thân thiện môi trường

Ngày 13/4, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường…

Kẹt xe ở Ngã Tư Sở, Hà Nội. Ảnh: Gia Chính

Cùng với xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu diesel hoặc các nhiên liệu hoá thạch khác), Chính phủ sẽ thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông phi cơ giới, thân thiện với môi trường như xe đạp, xe điện, xe dùng nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo. Hệ thống giao thông công cộng, vận tải hành khách khối lượng lớn được đẩy nhanh tiến độ. Phương tiện giao thông cá nhân ở đô thị sẽ bị hạn chế.

Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát khí thải xe cơ giới; hoàn thiện và ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu được nâng cao; phát triển và ứng dụng rộng nhiên liệu sinh học, sạch, thân thiện môi trường.

Cùng với đó, các đô thị lớn mở rộng diện tích công viên, cây xanh; giảm ô nhiễm tiếng ồn; cải thiện chất lượng không khí. Việc đốt phụ phẩm cây trồng ngoài đồng ruộng ven đô sẽ bị kiểm soát và loại bỏ bếp than tổ ong dùng trong sinh hoạt ở đô thị. Chính phủ khuyến khích các địa phương, đặc biệt Hà Nội, TP HCM áp dụng quy chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt hơn quy chuẩn môi trường quốc gia…

Tháng 1/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Hà Nội, TP HCM thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy phù hợp với hạ tầng và năng lực vận tải hành khách công cộng; xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường.

Nhiên liệu hóa thạch có nguồn gốc tự nhiên như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên… được hình thành qua hàng triệu năm. Việc đốt cháy nhiên liệu hoá thạch để giải phóng năng lượng đồng thời thải ra khí CO2 và các chất ô nhiễm khác vào không khí, dẫn đến tác động tiêu cực cho bầu khí quyển, tạo ra hiệu ứng nhà kính và hiệu ứng nóng lên toàn cầu.

Phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh

Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, cần sự quan tâm và hành động của tất cả mọi người nhằm hạn chế tác động tiêu cực, cải thiện dần những tổn thương đến môi trường, nhất là khi thời kỳ phổ biến sử dụng ôtô tại Việt Nam đang ngày càng gần hơn, đặc biệt ở các thành phố lớn.

Phát triển giao thông xanh, giao thông thông minh góp phần bảo vệ môi trường

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng ở các đô thị lớn mà phương tiện giao thông là tác nhân chính do khí xả mang theo chất độc hại như CO, Pb, NOx… Vì vậy, để từng bước hạn chế tình trạng này, hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, những năm qua, các nhà sản xuất ôtô đã không ngừng đổi mới công nghệ, giới thiệu những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường.

Theo đại diện Bộ Công Thương, thúc đẩy phát triển xanh là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Để hiện thực hóa mục tiêu sản xuất, thúc đẩy sử dụng các loại xe công nghệ xanh, thân thiện với môi trường của Việt Nam đòi hỏi phải có chính sách phù hợp cũng như vai trò của các công cụ kinh tế; trong đó có công cụ chính sách thuế để thúc đẩy việc sản xuất, sử dụng các loại sản phẩm hàng hóa thân thiện với môi trường, đặc biệt ngành công nghiệp ôtô, cần có các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu…

Chính phủ cũng như Bộ Công Thương luôn ủng hộ việc doanh nghiệp sản xuất và giới thiệu các mẫu xe thân thiện với môi trường ở Việt Nam. Định hướng này đã được thể hiện rất rõ trong Chiến lược và quy hoạch ngành ôtô cũng như các chính sách khác có liên quan khác. Hiện nay, các hãng xe ôtô đều từng bước chuyển đổi sang các dòng xe thân thiện với môi trường.

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý

Thời gian gần đây, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao và phát triển công nghệ xanh, công nghệ thân thiện môi trường trong lĩnh vực công nghiệp nặng, với mục tiêu đảm bảo giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc phát triển các dòng xe ôtô sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo từng bước góp phần hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, các nước cũng như Việt Nam hướng đến sử dụng hợp lý tài nguyên năng lượng sạch, sử dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, đặc biệt hướng tới giảm mức đầu tư, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng.

Xe bus điện thông minh hoạt động thử nghiệm ở các tuyến đường nội bộ Khu đô thị Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết hành lang pháp lý để thúc đẩy đầu tư công nghệ xanh, phát triển công nghệ sạch, thân thiện môi trường tương đối đầy đủ. Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược, nghị quyết và cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng xây dựng các chương trình khoa học và công nghệ phù hợp với giai đoạn 2021-2030, đó là các chương trình khoa học và công nghệ về năng lượng; về cơ khí tự động hóa; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tại doanh nghiệp; đổi mới công nghiệp quốc gia; các chương trình để Việt Nam thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng với đó là những chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, chương trình về phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đặc biệt, trong dự thảo Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030 sắp tới sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng phê duyệt, việc tái cơ cấu các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia được Bộ chú trọng để phát triển công nghệ xanh, công nghệ thân thiện với môi trường.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện… đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và “phát triển ngành công nghiệp ôtô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông.”

Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu dài hạn trong nghiên cứu, thúc đẩy phát triển công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ xanh, đóng góp chung vào nỗ lực giảm thiểu khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu, các chuyên gia cho rằng cần xác định và cung cấp mức tài trợ công phù hợp cho nghiên cứu và phát triển tương ứng với mục tiêu giảm chi phí và mục tiêu giảm thiểu CO2; tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển quốc tế để tận dụng tốt nhất các năng lực quốc gia.

Đây là những chiến lược cần thiết để Việt Nam thực hiện chuyển đổi phù hợp với các mục tiêu khí hậu mà Việt Nam đã cam kết, đặc biệt là cam kết của Việt Nam tại COP26 về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Vân Khánh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng lộ trình loại bỏ xe dùng nhiên liệu hóa thạch