Thanh Hóa: Di sản Thành nhà Hồ bị sạt đổ sau mưa

H.Thu (T/h)|20/09/2017 08:06
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Ảnh hưởng của bão số 10 và tác động của thời gian đã làm sạt lở một đoạn tường thành nhà Hồ tại vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m) của Thành nhà Hồ, thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đặt biển cấm để tránh nguy hiểm cho người dân

Ngày 19/9, ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết một khối lượng lớn đất đá từ tường thành của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ đã bị sạt lở xuống, chắn ngang con đường bêtông cạnh chân thành vào sáng ngày 16/9.

Theo đó, một góc bức tường bao quanh thành bị sạt có chiều dài khoảng 6,9m, cao khoảng 4m với khối lượng đất đá bị sạt khoảng 20m3. Vị trí sạt lở của bức tường thành nằm tại vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m), thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).

Theo hồ sơ bản vẽ và ảnh hiện trạng Di tích trình Ủy ban Di sản Thế giới, đoạn tường thành bị sạt lở thể hiện trong bản vẽ số 83, đoạn tường thành số 10, tỷ lệ 1/75.

Sau khi phát hiện sự việc trên, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ đã căng dây, đặt biển cảnh báo, hướng dẫn du khách và nhân dân địa phương không đi lại qua khu vực sạt lở.

Ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cho biết: “Hiện Ban quản lý Thành nhà Hồ đã báo cáo ngành chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội về sự việc nêu trên để tiến hành làm rõ nguyên nhân”.

Ngoài vị trí mới vừa bị sạt lở, theo hồ sơ, tại thời điểm đo vẽ, xây dựng hồ sơ khoa học, đoạn tường thành phía Đông Bắc có 6 đoạn đã bị sụt lở gồm: đoạn số 04, bản vẽ 59; đoạn số 7, bản vẽ 60; đoạn số 8, bản vẽ 61; đoạn số 12, bản vẽ 62; đoạn số 16-17, bản vẽ 63-64; đoạn số 20, bản vẽ 65.

H.Thu (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Di sản Thành nhà Hồ bị sạt đổ sau mưa