Thừa Thiên – Huế: Biển “nuốt” nhà dân, hàng chục gia đình phải sống trong nghĩa địa

Huy Đội|15/08/2017 09:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Xung quanh những ngôi mộ trở thành chỗ sinh hoạt của người dân tổ dân phố Hải Thành

(Moitruong.net.vn) – Biển lấn sâu hàng trăm mét, “nuốt chửng” hàng chục hécta đất của người dân thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, làm các hộ gia đình bị mất nhà, đất phải chuyển đến sống tạm bợ trong khu nghĩa địa.

Từ nhiều năm nay, hàng chục hộ dân đã tìm đến khu nghĩa địa tại Tổ dân phố Hải Thành, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế để dựng nhà “sống cùng” với người chết. Cuộc sống bên những ngôi mộ chứa nhiều mầm bệnh, hiểm họa đang rình rập họ từng giờ.

Người dân tổ dân phố Hải Thành vẫn còn run run khi nói về cơn lũ lịch sử năm 1999, năm đó biển đã lấn sâu hàng trăm mét và cướp đi hàng chục hécta đất của người dân An Hải, Hải Thành, Minh Hải, Hải Bình, Hải Tiến của Thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Đất và nhà bị mất, nhiều hộ đã phải dọn đến Nghĩa trang Âm Linh để dựng nhà chung sống với người đã khuất.

Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn tìm về khu nghĩa trang tại tổ dân phố Hải Thành vào một ngày tháng tám. Mặc dù trời mùa thu nắng ấm, nhưng không gian nơi đây vẫn toát lên vẻ lạnh lẽo, hoang vắng, bởi xung quanh khu vực này là những ngôi mộ lớn, nhỏ nằm san sát nhau. Với những người dân sống trong khu nghĩa địa, họ đã quá quen thuộc với cuộc sống ăn, ngủ cạnh những ngôi mộ. Còn người lạ khi đặt chân đến đây đều không khỏi ớn lạnh trước cảnh người sống ăn, ngủ cùng người chết.

NT2Những ngôi nhà của người sống được xây xen kẽ giữa những ngôi nhà của người chết

Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Văn Phúc (52 tuổi, trú tại tổ dân phố Hải Thành) tâm sự: Nhà tôi trước năm 1999 ở gần biển, nhưng trận lụt năm đó đã cuốn đi mảnh đất và ngôi nhà, khiến gia đình tôi phải chuyển vào đây sinh sống. Đến nay cũng đã hơn 17 năm “lập nghiệp” trên khu nghĩa địa này.

“Hồi mới chuyển về đây cũng sợ lắm, mấy đêm liền trằn trọc không tài nào chợp mắt được. Nhưng rồi không biết phải đi về mô nữa nên phải liều thôi. Bây giờ cả nhà tôi ai cũng quen rồi, không thấy sợ nữa”, ông Phúc vui vẻ nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong những năm qua, người dân nơi đây phải sống chung với tình trạng nước sinh hoạt không đảm bảo, ô nhiễm môi trường trong khu nghĩa địa. Mặc dù tỉnh đã đầu tư hệ thống nước sạch chảy về tận các thôn, nhưng những hộ dân trong khu nghĩa địa vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Bởi, khu nghĩa địa nằm xa hệ thống nước, kinh tế của người dân khó khăn nên không có tiền để dẫn nước sạch về dùng và họ phải thường xuyên mua nước từ nơi khác để sử dụng rất tốn kém.

Ngoài ra, các hộ dân ở tổ dân phố Hải Thành cho biết, mỗi gia đình ở đây còn tự đầu tư một hệ thống giếng khoan nước ngầm để dùng cho giặt giũ, tắm rửa. Việc người dân sử dụng nước giếng khoan được lấy từ lòng đất khu nghĩa địa sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Theo các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì nước ngầm trong các nghĩa địa lâu năm đa phần đều bị nhiễm nitrat và vi sinh phân hủy từ xác người. Trong nguồn nước nhiễm bẩn vữa ra từ xác người chết có các hóa chất độc hại như: Axít sunphuric, Phốt pho, lưu huỳnh… Và thường có hàm lượng amoni vượt mức cho phép (<1,5mg/lít). Nếu vượt quá chỉ số này, nguồn nước ngầm sẽ gây ra các loại bệnh như: Viêm ruột, viêm gan, ung thư da, rối loạn tiêu hóa…

NT3Ô nhiễm môi trường nước, không khí, đe dọa sức khỏe người dân sống trong khu nghĩa địa, nhất là trẻ nhỏ

Sống trong khu nghĩa địa lâu năm người dân không chỉ đối diện với nguy cơ mắc các bệnh ngoài da, đường tiêu hóa, mắt… mà còn ảnh hưởng đến tâm lý. Nhất là đối với các cháu nhỏ, tâm lý “sợ ma” sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, sinh hoạt và sự phát triển tâm lý, thể chất của các cháu. Một điều đáng nói nữa là các hộ dân ở trong nghĩa địa này đều không có nhà vệ sinh hợp chuẩn.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Đủ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, tại khu nghĩa trang ở tổ dân phố Hải Thành có khoảng 30 hộ dân sinh sống xung quanh các ngôi mộ. Mặc dù các hộ dân sống ở khu nghĩa địa đã lâu nhưng theo đánh giá của chúng tôi thì môi trường ở đây không đảm bảo vệ sinh để đảm đảm cuộc sống tối thiểu của người dân.

“Hiện nay, khu nghĩa trang này đã được quy hoạch, giải tỏa làm khu Dịch vụ du lịch thương mại, đã chi trả tiền bồi thường cho 62 hộ dân có phần mộ ở đây và họ đã đồng ý chủ trương này. Còn những hộ dân dựng nhà sống trong nghĩa trang, chính quyền sẻ có kế hoạch di dời, bố trí đất tái định cư để người dân ổn định cuộc sống”, ông Đủ thông tin.

  Huy Đội

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Biển “nuốt” nhà dân, hàng chục gia đình phải sống trong nghĩa địa