Gặp mặt 50 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch năm 2018 tại Hà Nội

Phương Linh|02/03/2018 10:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Nhằm thúc đẩy Du lịch Hà Giang phát triển và hội nhập với du lịch trong cả nước và khu vực, chiều ngày 2/3, tại Thủ đô Hà Nội, Hiệp hội du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Hội du lịch phố cổ Hà Nội tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên đia bàn Hà Nội. Dự buổi gặp mặt có lãnh đạo sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang và TP Hà Nội, đại diện 50 các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch trên địa bàn phố cổ Hà Nội.

>> Hội chợ Xuân thành phố Hà Giang năm 2018

Tham dự hội nghị có 50 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch

Trong những năm qua nhất là từ Tổng cục Du lịch, Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức các đoàn FAMTRIP đến Hà Giang, Du lịch Hà Giang đã và đang phát triển, nhiều du khách biết đến Hà Giang, lượng khách du lịch đến Hà Giang năm sau cao hơn năm trước. Điển hình như năm 2017 đã có trên 1 triệu lượt khách du lịch đến Hà Giang, trong đó khách nước ngoài là gần 170.000, tổng thu từ khách du lịch đạt 913,6 tỷ đồng. Số lượng lớn khách du lịch đến với Hà Giang tập trung ở 4 huyện Vùng cao, thuộc Công viên địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn, nhằm khám phá vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn, cùng với các di sản văn hóa nổi bật bởi những dãy núi đá tai mèo trùng điệp, tạo nên những nét đặc sắc riêng có của Hà Giang. Bên cạnh đó Hà Giang còn có các lễ hội độc đáo như: Lồng Tồng, nhảy lửa, lễ hội cấp sắc, lễ hội Gầu Tào, khèn mông, Chợ tình Khau Vai và lễ hội hoa Tam giác mạch… Tại buổi gặp mặt Hiệp hội du lịch tỉnh Hà Giang đã giới thiệu và quảng bá hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và du lịch Hà Giang, đồng thời đẩy mạnh khai thác các tour du lịch, kết nối với các doanh nghiệp thu hút khách du lịch đến với Hà Giang trong năm 2018

Trong những năm qua, mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư phát triển du lịch, tuy nhiên hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được tiềm năng về du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch còn hạn chế về năng lực, nguồn nhân lực phục vụ du lịch vừa thiếu lại vừa yếu, cơ sở hạ tầng du lịch đầu tư mang tính hình thức chưa quan tâm đến chất lượng. Việc lựa chọn và xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng còn chưa có sự gắn kết giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành với chính quyền địa phương để có mô hình xây dựng và tổ chức khai thác cho phù hợp. Các sản phẩm phục vụ du lịch đã phát triển nhưng mẫu mã, chủng loại còn đơn điệu, chưa thu hút được sự quan tâm của du khách.

Phương Linh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp mặt 50 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch năm 2018 tại Hà Nội