(Moitruong.net.vn) – Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường luôn là vấn đề được các cấp chính quyền, địa phương tỉnh Bắc Giang quan tâm hàng đầu. Là hướng đi mới trong nền kinh tế, hiện nay nhiều hộ nông dân trong tỉnh Bắc Giang đầu tư nuôi các loài động vật hoang dã (ĐVHD) như: Rắn hổ mang, Rắn ráo trâu, Lợn rừng, Cầy vòi hương, Rắn ráo,…Vừa mang lại lợi nhuận cao, giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cung cấp thực phẩm cho xã hội; đồng thời giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên, duy trì nguồn gen, hỗ trợ cho công tác bảo tồn loài trong môi trường hoang dã.
>>Xử lý 443 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng
>>Bắc Giang xử phạt 70 triệu đồng do vận chuyển lâm sản trái pháp luật
>>Bắc Giang chuyển giao, cứu hộ, bảo tồn 28 cá thể các loài động vật rừng quý, hiếm trong năm 2017
Chủ cơ sở kiểm tra, chăm sóc Rắn hổ mang
Trước đây, tại Bắc Giang ĐVHD chỉ được nuôi ở một vài huyện như: Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, theo mô hình gia đình nhỏ lẻ, tự phát, kỹ thuật gây nuôi chủ yếu do học hỏi kinh nghiệm của các hộ khác đã gây nuôi thành công và bán giống, quy mô chuồng trại không lớn, thậm chí nhiều hộ chỉ nuôi cho vui. Tuy nhiên, sau một thời gian hiệu quả kinh tế thu được khá lớn, nên phong trào nuôi ĐVHD phát triển ở hầu khắp các huyện, thành phố, có hộ phát triển theo hướng trang trại.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện có 04 hộ gia đình nuôi 10 cá thể gấu ngựa và 141 cơ sở (hộ gia đình) đang nuôi các loài ĐVHD (trong đó có 53 hộ gia đình gây nuôi các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm, đã được Chi cục Kiểm lâm cấp giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi), với tổng số hơn 20 nghìn cá thể các loài.
Trại nuôi ĐVHD của ông của ông Trần Văn Hùng (thôn Quỳnh Độ, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) có tổng diện tích 2.000 m2, được nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng chủ yếu là 02 loài Rắn hổ mang và Rắn ráo trâu, nuôi theo kiểu bán hoang dã, kết hợp xây ô chuồng riêng biệt, bất kể thời điểm nào cũng có trên 2.000 cá thể.
Ông Hùng cho biết, hiện nay, thị trường tiêu thụ trứng rắn, rắn giống và thương phẩm của ông Hùng đã mở rộng, không chỉ trong tỉnh mà còn ra nhiều tỉnh thành khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn… với giá bán hiện nay đối với Rắn hổ mang thương phẩm 600.000 đồng/kg, rắn ráo trâu thương phẩm 500.000 đồng/kg, trứng rắn là 50.000 đồng/quả; năm 2017 vừa qua, nhờ nuôi ĐVHD, tính ra, trừ mọi chi phí, ông thu lãi khoảng 250 triệu đồng. ‘‘Tôi vẫn đang mở rộng quy mô trại nuôi ĐVHD và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật gây nuôi cho các hộ khác, cũng như giúp đỡ những người không có việc làm về làm tại trang trại của tôi’’ ông Hùng chia sẻ thêm.
Chăn nuôi Lợn rừng (Sus scrofa) với đầu ra, thu nhập ổn định; đã mang lại lợi nhuận cao, tạo công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân
Thời gian qua, để quản lý tốt các trại nuôi ĐVHD trên toàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở: Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các trại nuôi ĐVHD trên địa bàn, hướng dẫn các hộ gia đình nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng các loài ĐVHD làm các thủ tục đăng ký trại nuôi theo quy định của pháp luật; chỉ những trại nuôi đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định mới được tiếp tục hoạt động. Tham mưu, đề xuất với Chủ tịch UBND huyện rà soát, quy hoạch các trại, cơ sở nuôi ĐVHD, theo hướng từng bước di dời các trại, cơ sở nuôi có khả năng gây ảnh hưởng tới môi trường, ra khỏi khu dân cư và những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai. Tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện, kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, các loài ĐVHD và các sản phẩm của chúng trái pháp luật.
Nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi các loài ĐVHD trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã và đang là hướng phát triển hứa hẹn nhiều thành công, góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định, nhằm hướng tới mục tiêu xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống cho người dân.
Dương Đại Tiến