Bắc Giang hướng dẫn triển khai thực hiện thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường

Minh Phúc|03/04/2024 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang đã có Công văn số 1199/STNMT-BVMT yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tăng cường hướng dẫn, triển khai thực hiện thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý.

Theo đó, đối với nội dung hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thu hồi đất lúa, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ vào các trường hợp như: Dự án yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên, có diện tích chuyển đổi thuộc thẩm quyền chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về đất đai, thì thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

dat-lua.jpg
Ảnh minh họa

Còn dự án yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên, có diện tích chuyển đổi thuộc thẩm quyền chấp thuận của HĐND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đất đai, thì thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án thuộc UBND tỉnh.

Đối với trường hợp dự án không yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên, đối tượng phải có giấy phép môi trường căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 39, thẩm quyền cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 41, Căn cứ và thời điểm cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 42, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp dự án có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường nêu trên và không thuộc đối tượng được miễn đăng ký môi trường nêu trên thì dự án thuộc đối tượng phải Đăng ký môi trường (theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường).

Đối với việc thực hiện thủ tục môi trường của các dự án xây dựng trụ sở Công an xã, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục về bảo vệ môi trường (nếu có) và đảm bảo đối tượng, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các dự án đầu tư trên địa bàn thực hiện thủ tục môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cấp, cấp đổi, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường, thực hiện đăng ký môi trường, đầu tư xây dựng, vận hành hoạt động của các công trình xử lý chất thải đối với các dự án, cơ sở trên địa bàn quản lý. Thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về môi trường theo thẩm quyền trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng chậm giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính về môi trường.

Tăng cường quản lý hoạt động bảo vệ môi trường của các dự án, các cơ sở, dự án có hoạt động đầu tư xây dựng, vận chuyển đất dư thừa… không để xảy ra tình trạng rơi vãi, tràn đổ đất đá thải làm ảnh hưởng đến môi trường, giao thông, sinh hoạt của người dân.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Quyết liệt với vi phạm về môi trường
    Thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát bảo vệ môi trường (BVMT) được tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu xử lý chất thải, hoạt động khai thác khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Bắc Giang hướng dẫn triển khai thực hiện thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.