Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 137 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó 133 công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước với tổng kinh phí hơn 442 tỷ đồng và 04 công trình do doanh nghiệp đầu tư với tổng số vốn hơn 487 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh đạt 54,81%.
Báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Sở NN&PTNT Bắc Giang cho thấy, cùng với việc rà soát, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, Trung tâm sẽ phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, loại bỏ các nguồn nước không bảo đảm vệ sinh trong sinh hoạt.
Theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy định nhiệm vụ đối với công trình cấp nước nông thôn: Thời gian tới, tiếp tục duy trì hệ thống các công trình cấp nước sạch tập trung hiện có trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp đủ nước cho nhân dân trên địa bàn các xã đã có công trình cấp nước. Nhu cầu sử dụng nước khu vực nông thôn đến 2030 là 188.000 m3/ngày đêm, các công trình cải tạo, nâng cấp và xây mới đáp ứng khoảng 160.000 m3/ngày đêm còn lại sẽ được cấp nước từ các nhà máy nước đô thị hiện có hoặc từ các nhà máy nước đô thị xây mới cho các xã lân cận là 28.000 m3/ngày đêm.
Trong giai đoạn tới, địa phương này ưu tiên thu hút tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng phạm vi cấp nước đối với các công trình hoạt động tốt, có chất lượng nguồn nước đảm bảo đủ điều kiện mở rộng phạm vi cấp nước cho các xã lân cận. Chỉ thu hút đầu tư xây dựng các công trình cấp nước mới đối với các xã không có công trình cấp nước lân cận. Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy có công suất lớn có tính chất liên xã, liên huyện đảm bảo cấp nước cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn các xã khó khăn thuộc huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.
Trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu về nước sinh hoạt, sự phân bố các nguồn nước ngầm, nước mặt, dự kiến phân bố dân cư và các điều kiện tự nhiên,... Phương án cấp nước nông thôn: Đến năm 2030, trên địa bàn có 112 công trình cấp nước, với tổng công suất khoảng 160.000 m3/ngày đêm, trong đó: Không sử dụng 09 công trình cấp nước nông thôn đã ngừng hoạt động hoặc các công trình đã được cấp nước từ các hệ thống cấp nước tập trung khác.
Cải tạo 32 công trình nhỏ lẻ ngừng hoạt động, đảm bảo cung cấp nước theo công suất thiết kế; công suất sau cải tạo đạt 3.400 m3/ngày đêm. Cải tạo duy trì hoạt động của 45 công trình cấp nước tập trung hoạt động đảm bảo hoạt động bền vững, công suất sau cải tạo đạt 24.000 m3/ngày đêm; Cải tạo nâng công suất 11 công trình, tổng công suất các công trình hiện có sau nâng cấp là 31.000 m3/ngày đêm; Xây dựng mới 24 nhà máy cấp nước tập trung liên xã, công suất đạt 101.500 m3/ ngày đêm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 43/79 xã người dân đang được sử dụng nước từ công trình nước sạch tập trung. Các xã còn lại chưa được cấp nước Sở đã đề xuất rất rõ trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có đề xuất xây mới 24 công trình cấp nước sạch, cải tạo nâng cấp, mở rộng 11 công trình và khôi phục 32 công trình ngừng hoạt động.
Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục triển khai việc rà soát, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp và xác định rõ thời gian hoàn thành đối với các công trình; nâng cao năng lực cấp nước nhằm mở rộng vùng phục vụ góp phần tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch.
UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay nguồn lực đầu tư cho các công trình nước sạch còn hạn chế, chất lượng của nhiều công trình thấp, hoạt động kém hiệu quả; cơ chế quản lý còn bất cập, thiếu thống nhất. Với những cơ chế, chính sách hiện hành không hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình nước sạch vào khu vực miền núi, vùng cao, khu vực ít dân cư do vốn đầu tư lớn trong khi hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, để khắc phục tình trạng quản lý cấp nước sạch ở những vùng này, cần phải huy động nguồn lực của các cấp, đồng thời phải có cơ chế đặc thù, thu hút doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho nhân dân.