Những ngày nắng nóng gay gắt, nhiều giếng lấy nước ngầm của người dân thôn Trung Hạ, xã Quế Hiệp (Quế Sơn) đã cạn kiệt. Tuy nhiên người dân Trung Hạ không còn cảnh lo lắng thiếu nước sinh hoạt như những năm trước đây, bởi họ có thể đến trạm cấp nước bằng năng lượng mặt trời để tắm giặt và lấy nước về dùng.
Ông Đinh Hữu Hoa nói: “Nhà nước xây dựng trạm cấp nước miễn phí cho người dân chúng tôi vào mùa nắng nóng như thế này rất mừng, bà con không còn lo thiếu nước làm cuộc sống đảo lộn như những năm trước. Tuy nhiên bà con mong muốn Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống ống cấp nước đến hộ gia đình thì thuận tiện hơn”.
Ông Bùi Văn Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp thông tin, năm 2021, huyện Quế Sơn đã khảo sát đánh giá chất lượng nước và đầu tư hơn 110 triệu đồng triển khai xây dựng trạm cấp nước năng lượng mặt trời phục vụ miễn phí cho cụm dân cư khó khăn về nước. Phương thức này đã phát huy hiệu quả khi mùa hè nắng nhiều, nguồn năng lượng dồi dào, lượng nước có thể cung cấp cho ít nhất từ 50 hộ dân.
Địa phương đang đề nghị huyện tiếp tục hỗ trợ để xây dựng thêm những trạm cấp nước năng lượng mặt trời tại các khu vực có địa hình phức tạp, phân tán nhỏ lẻ, đảm bảo tốt hơn nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân miền núi.
Năm 2021, huyện Quế Sơn sử dụng ngân sách địa phương đầu tư 6 trạm cấp nước năng lượng mặt trời phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của những cụm dân cư tại các xã khó khăn về nước sinh hoạt. Tất cả trạm cấp nước đều được khảo sát kỹ, đánh giá chất lượng nguồn nước, đảm bảo cấp nước liên tục cho ít nhất 50 hộ dân sử dụng trong suốt mùa khô.
Ông Trần Vũ Tánh – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn thông tin: “Mỗi trạm cấp nước năng lượng mặt trời được đầu tư từ 100 – 130 triệu đồng, tùy vào địa hình. Thiết bị gồm tấm pin năng lượng mặt trời để cấp điện thường xuyên cho máy bơm; giếng khoan lấy nước ngầm sâu khảng 80m; 2 bồn chứa dung tích 6 nghìn lít và các vật tư cần thiết khác.
Đây được xem là giải pháp mới mà huyện Quế Sơn đã thực hiện trong 2 năm qua. Mức đầu tư thấp, hiệu quả cao rất phù hợp khu vực miền núi Quảng Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 7 trạm cấp nước như thế này trong năm 2023”.
Thống kê từ Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết, từ nguồn vốn của các tổ chức phi chính phủ, ngân sách nhà nước, toàn tỉnh có 548 công trình cấp nước sạch được đầu tư với công suất thiết kế gần 80.000m3/ngày đêm, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh gần 96%.
Tuy nhiên, hầu hết công trình cấp nước sạch vùng nông thôn đều xây dựng nhiều năm, xuống cấp, hiệu suất cấp nước không cao. Toàn tỉnh chỉ có 79 công trình cấp nước bền vững, 244 công trình hoạt động trung bình, 149 công trình hoạt động kém hiệu quả, còn lại một số công trình không hoạt động.
Ông Phan Dũng – Giám đốc HTX Quế Xuân 2 (Quế Sơn) cho biết, năm 2012, HTX tiếp quản đầu tư cấp nước cho người dân trong điều kiện hệ thống cấp nước vốn được đầu tư từ năm 2006 đã xuống cấp nghiêm trọng, máy móc, đường ống hư hỏng. Để đáp ứng nhu cầu cấp nước sạch cho 500 hộ dân thì HTX cần nguồn lực lớn hơn từ Nhà nước mới có thể xây dựng công trình mới.
Trước thực trạng nhiều công trình nước sạch nông thôn đang xuống cấp, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản về việc thành lập ban chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch; văn bản hướng thực hiện dẫn bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn.
Hiện nay, việc cấp nước an toàn khu vực nông thôn được chính quyền địa phương và HTX quản lý, vận hành nhưng nguồn lực hạn chế nên các công trình chỉ đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho các khu dân cư đặc biệt khó khăn về nước.
Ông Phạm Quang Đông - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết, tỷ lệ hộ dân nông thôn Quảng Nam sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95,7% và tỷ lệ sử dụng nước đạt quy chuẩn trên 51%.
Hằng năm, các cấp, ngành thường xuyên tuyên truyền về tầm quan trọng của nước đối với người dân nông thôn, tuy nhiên thực tế nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; công trình không được bảo vệ, duy tu bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, hư hỏng; việc vận hành khái thác chưa phù hợp.
Trong khi nhu cầu sử dụng nước hợp vệ sinh của người dân ngày càng cao thì vấn đề đặt ra là phải sử dụng năng lượng thay thế, năng lượng tái tạo để các công trình nước phát huy hiệu quả, bền vững với cuộc sống người dân vùng nông thôn trước thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.