Hiện nay, ước tính toàn tỉnh Bạc Liêu mỗi ngày thải ra hơn 400 tấn rác. Trong khi đó, Bạc Liêu chỉ có 2 lò đốt rác tập trung tại 2 huyện Đông Hải và Phước Long, công suất lò đốt 500kg/giờ và các bãi chôn lấp rác tại ấp Tân Tạo (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), huyện Hòa Bình, TX. Giá Rai. Điều đáng nói là tất cả đều không đảm bảo về vấn đề môi trường, luôn trong tình trạng quá tải trầm trọng.
Cụ thể, hàng trăm tấn rác/ngày của TP. Bạc Liêu phải chuyển qua địa bàn huyện Vĩnh Lợi và được giải quyết bằng cách chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. TX. Giá Rai là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh (chỉ sau TP. Bạc Liêu), mỗi ngày thải ra hơn 40 tấn rác cũng không có nơi để xử lý rác tập trung. Cả TP. Bạc Liêu và TX. Giá Rai đều có chung tình cảnh là phải mang rác đi gửi sang các địa phương khác và đến nay vẫn chưa tìm được nhà đầu tư đủ tiềm lực để xây dựng nhà máy xử lý rác. Riêng TX. Giá Rai thậm chí còn không thể đưa rác vào bãi chôn lấp rác tạm tại xã Tân Phong với quy mô hơn 7,5ha. Đây cũng là nơi dự kiến xây dựng nhà máy xử lý rác nếu kêu gọi dự án thành công. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của thị xã hiện tại là người dân xã Tân Phong, khu vực quy hoạch nơi chôn lấp rác tạm thời không đồng ý cho đưa rác vào bãi tập kết. Tất cả cũng vì vấn đề không đảm bảo về môi trường.
Từ khi chia tách huyện, bãi rác tập trung nằm ở huyện Đông Hải, còn TX. Giá Rai 20 năm qua chưa có bãi rác tập trung đảm bảo quy mô và nhu cầu xử lý rác sinh hoạt hằng ngày. Nhiều năm nay, rác sinh hoạt của TX. Giá Rai phải đổ nhờ bãi rác của huyện Đông Hải, nằm cách thị xã gần 30km. Hiện nay, bãi rác này cũng quá tải, không còn tiếp nhận được lượng rác lớn của toàn thị xã. Trong khi đó, những bãi rác tạm của thị xã đều quá tải, lượng rác 40 tấn/ngày phải đổ tạm rải rác khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Đỗ Minh Thắng - Chủ tịch UBND TX. Giá Rai cho biết, địa phương đang chuẩn bị lên đô thị loại 3 trong năm tới và phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu hiện nay là chưa có bãi rác tập trung quy mô lớn để đảm bảo chứa và xử lý lượng rác sinh hoạt hằng ngày.
Từ lâu Bạc Liêu đã có chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải nhưng hiện chỉ mới dừng ở việc tìm kiếm đối tác đầu tư. Đây là một lĩnh vực đầu tư khó thu hút, đối tượng sản xuất đặc thù cần có thời gian đầu tư lâu dài, đòi hỏi nhà đầu tư có tiềm lực và kinh nghiệm. Đến nay, tỉnh đã kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác tại thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi) và ấp Khúc Tréo B (xã Tân Phong, TX. Giá Rai), nhưng vẫn chưa thể triển khai. Còn lại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, chỉ có huyện Phước Long, huyện Đông Hải có bố trí lò đốt công suất 500kg/giờ để xử lý, còn lại các bãi rác khác chỉ phun chế phẩm sinh học để xử lý. Đây cũng từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tỉnh vận dụng đầu tư và đưa vào hoạt động lò đốt rác sinh hoạt bằng khí đốt tự nhiên tại 2 huyện Phước Long, huyện Đông Hải và dự kiến đầu tư thêm lò đốt rác tại huyện Hòa Bình. Bởi bãi rác tập trung tại thị trấn Hòa Bình (huyện Hòa Bình) nằm trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về các khu vực bị ô nhiễm thuộc khu vực công ích.
Điều đáng quan ngại là, mặc dù có lò đốt rác nhưng các lò này đều có công suất thấp, bình quân chỉ đạt 12 tấn/lò/ngày, trong khi lượng rác thải tại các huyện đều tăng gấp nhiều lần. Giải pháp tình thế vẫn diễn ra là tình trạng đổ rác ở các bãi rác tạm, xử lý chôn lấp rải rác khắp nơi gây ô nhiễm đến cuộc sống của người dân và ảnh hưởng đến môi trường sống về lâu dài.
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa X diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15.7, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, việc chậm có nhà máy xử lý rác tại tỉnh Bạc Liêu là điều mà cử tri rất bức xúc. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư, các ngành cần giải trình rõ ràng, cụ thể vấn đề này. Không thể chấp nhận được việc không có nhà máy xử lý rác. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu: Nhiều nhà đầu tư gặp trực tiếp tôi nói rằng, chấp nhận cho họ đầu tư họ không lấy một đồng ngân sách nào để đầu tư mà còn làm lợi cho ngân sách nhà nước từ rác.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, không thể dùng tiền ngân sách để trả cho nhà đầu tư khi đàm phán xây dựng nhà máy rác. Bởi rác là tài nguyên là nguyên liệu tái chế, làm lợi cho doanh nghiệp hơn. Việc thu gom xử lý rác để doanh nghiệp làm.