Khói bụi thôn Quan Độ
Khi thì ngày đốt đêm nghỉ, lúc thì đêm nghỉ ngày đốt, có những hôm cả ngày lẫn đêm nồng nặc mùi khét cùng khói bụi bao phủ các xã lân cận của huyện Đông Anh.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng khiến cuộc sống người dân vô cùng ngột ngạt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Trước các kiến nghị của chính quyền và người dân Hà Nội, chính quyền tỉnh Bắc Ninh cũng rốt ráo vào cuộc xử lý các bãi rác ở Quan Độ. Thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng lại tái diễn khiến người dân không khỏi bức xúc.
Nhiều người dân thuộc hai xã Thụy Lâm và xã Vân Hà của huyện Đông Anh là nơi phải chịu sự tra tấn của khói bụi đốt rác từ thôn Quan Độ của tỉnh Bắc Ninh nói rằng, tình trạng đã kéo dài nhiều năm. Trong suốt thời gian ấy không biết bao nhiêu người đã bị bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Người dân huyện Đông Anh cũng nhiều lần kiến nghị làm việc với chính quyền huyện Yên Phong và tỉnh Bắc Ninh để chấm dứt tình trạng đốt rác, gây khói bụi làm ảnh hưởng đến người dân vùng lân cận.
Người dân thôn Thụy Lôi của xã Thụy Lâm, phản ánh: Những cột khói bốc lên đen xì. Khói có mùi khét lẹt, gặp gió phát tán thẳng vào khu dân cư. Mùi khét nồng nặc do đốt phế liệu khiến người hít phải cảm thấy rất tức ngực khó thở.
Tại đây cũng tập trung rất nhiều loại rác công nghiệp nguy hại, nguyên liệu hỏng, làm cho nước trong ruộng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước màu đen tràn xuống đồng ruộng, sông ngòi khiến tôm, cá bị chết hàng loạt.
Người dân cũng hết sức lo ngại về các chất độc tại các bãi rác thôn Quan Độ sẽ ngấm xuống đất, đầu độc nguồn nước ngầm. Đơn cử như dòng sông Ngũ Huyện Khê của tỉnh Bắc Ninh hiện nay đã trở thành một “dòng sông chết”. Và người dân đặt câu hỏi, liệu nguồn nước ngầm độc hại có ảnh hưởng đến chất lượng nước của các nhà máy sản xuất nước sạch – đặc biệt sau sự cố nước nhiễm dầu thải của Nhà máy nước Sông Đà vừa qua.
Cảnh đốt rác tại bãi rác thôn Quan Độ
Đổi môi trường lấy kinh tế
Tại thôn Quan Độ có rất nhiều loại rác công nghiệp như vỏ nhựa dây điện, dây cáp, rác thải y tế, phế thải xây dựng và cả rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân được tập trung tại đây. Theo người dân, bãi rác đã tồn tại từ rất lâu nên thu hút ruồi muỗi và côn trùng đến trú ngụ.
Theo ông Nghiêm Xuân Xô, cán bộ phụ trách môi trường xã Văn Môn, sở dĩ Quan Độ có nhiều rác là do người dân đi thu gom vật dụng phế phẩm từ các nơi đem về tách ra để lấy đồng, sắt, vàng, bạc… còn những gì không có giá trị thì họ đem đi đốt như cao su, nhựa, vỏ của các thiết bị điện, dây cáp, thủy tinh…
Không chỉ gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường cho các xã lân cận của Bắc Ninh và Hà Nội, chính người dân xã Văn Môn là những người phải hứng chịu cảnh ô nhiễm đầu tiên từ nghề nay. Tuy nhiên, vì nghề nghiệp, vì miếng cơm manh áo nên họ đành chấp nhận “đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
16 năm “hít khói”
Còn hai xã Thụy Lâm và Vân Hà của huyện Đông Anh, Hà Nội lại trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ. Theo người dân, khoảng 5 năm trở lại đây, số người bị ung thư trong các thôn làng của hai xã này tăng đột biến. Còn những người bị bệnh đường hô hấp thì nhiều vô kể.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, học sinh hai xã này còn bị ảnh hưởng nặng nề từ khói bụi. Các lớp học gần như phải đóng kín của ngăn mùi, ngăn khói và ngăn bụi. Tuy vậy, có những hôm khói bụi quá nhiều khiến cho lớp học phải giải tán.
Cũng theo người dân, trừ những ngày mưa thì trong suốt 16 năm qua không lúc nào họ được sống trong môi trường sạch. Điều làm người dân bức xúc nhất là dù khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân nhưng không thấy chính quyền địa phương có biện pháp chấm dứt vấn nạn.
Ông Nghiêm Xuân Xô, cán bộ phụ trách môi trường xã Văn Môn thừa nhận về việc đốt rác tại địa phương. Ông cho rằng, người dân thường đốt vào ban đêm hoặc giữa trưa, thậm chí thuê cả người đến đốt nên chính quyền rất khó phát hiện.
“Về việc phản ánh về tình trạng đốt rác khói đen bốc lên theo hướng gió thổi bay qua hai xã Thụy Lâm và Vân Hà (Đông Anh – Hà Nội) làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ngay sau khi nhận được phản ánh chúng tôi cũng đã thành lập tổ phản ứng nhanh túc trực 24/24 giờ để không xảy ra tình trạng đốt phế thải”, ông Xô nói.
Tại Khoản 7, Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định rõ: Cấm hành vi “Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hóa vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường”.
“Không thể dẹp bỏ được bãi rác ở thôn Quan Độ vì đó là bãi rác tập trung của người trong thôn. Từ trước đến nay chúng tôi cũng chưa bắt được ai châm lửa đốt rác, nhưng xác định người đốt rác chủ yếu là người hành nghề đồng nát, đốt dây điện lấy lõi đồng”, ông Nghiêm Xuân Xô, cán bộ phụ trách môi trường xã Văn Môn.
Phương Hiền (T/h)