Sáng ngày 26/8, bão số 3 đã suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Đến 1 giờ ngày 26/8/2022, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã phát bản tin cuối cùng về cơn bão số 3. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25/8, toàn tỉnh Quảng Ninh có mưa to đến rất to, gió phổ biến đạt cấp 4-5; khu vực Móng Cái, Cô Tô gió cấp 5-6, giật cấp 8. Lượng mưa từ 19 giờ ngày 25/8 đến 6 giờ ngày 26/8 tại một số điểm trên địa bàn tỉnh từ 76,8 mm (TX Đông Triều) và cao nhất là 299,4 mm (TP Cẩm Phả).
Để ứng phó với cơn bão số 3, tỉnh đã ra các văn bản, công điện chỉ đạo; cấm biển từ 12 giờ ngày 25/8; kiểm tra công tác chống bão các địa bàn huyện Vân Đồn, Ba Chẽ. Các địa phương trong tỉnh thành lập đoàn công tác do lãnh đạo địa phương làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác ứng phó trên địa bàn.
Tỉnh cũng đã huy động lực lượng vũ trang với 1.510 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ và hiệp đồng lực lượng của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 đóng trên địa bàn; 14 xe ô tô, 6 tàu, 22 xuồng và các trang thiết bị, phương tiện khác. Tất cả đều sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Bộ đội Biên phòng tỉnh bắn 32 quả pháo kêu gọi, thông báo cho tàu thuyền về nơi tránh trú tại các điểm quy định.
Các đơn vị cũng đã kêu gọi tàu thuyền, đảm bảo an toàn khu nuôi trồng thủy sản. Toàn bộ 496 tàu của tỉnh đã về nơi tránh trú lúc 16 giờ ngày 25/8/2022; 6.250 chiếc tàu cá các loại đã neo đậu an toàn trong chiều 25/8/2022. 14.502 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã chủ động gia cố và thông tin đến khoảng 1.000 lao động tại các khu nuôi trồng thủy sản để chủ động các biện pháp an toàn chiều ngày 25/8/2022.
Gần 4.000 khách du lịch đều được thông tin về bão để chủ động phương án ứng phó. Trong ngày 25/8/2022, đã đưa 500 khách du tuyến đảo về bờ an toàn, còn lại 364 khách có nhu cầu ở lại đảo, địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tiếp đón chu đáo.
Về thiệt hại, đã xuất hiện lũ trên các sông, suối khu vực miền Đông của tỉnh từ tối ngày 25/8, hiện nước đang rút dần.
Tuy nhiên, tại TP Hạ Long đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ tại các phường Trần Hưng Đạo, Cao Thắng, Hà Khánh, Dân Chủ…; sạt lở cục bộ 10 điểm tại phường Hùng Thắng, Hà Khẩu, Hồng Hải, Bãi Cháy, Yết Kiêu, Hà Trung… Thành phố đã di dời các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đến vị trí an toàn; gãy đổ khoảng 50 cây xanh trên một số tuyến phố. Thành phố Uông Bí sạt lở cục bộ tại phường Vàng Danh, Bắc Sơn và xã Thượng Yên Công. TP Móng Cái gãy đổ hơn 120 cây xanh trên các tuyến phố, 20 cột điện khu dân cư, ngập khoảng 14 ha lúa, màu; ngập cục bộ khu vực Hải Hòa.
Các địa phương không có thiệt hại về người. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát tình hình trên địa bàn.
Cùng thời điểm, tại Hải Phòng, do ảnh hưởng của bão số 3 nên thành phố mưa lớn kéo dài nhiều giờ. Nhiều tuyến đường tối nay bị ngập lụt; nước tràn cả vào nhà dân.
Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Lạng Sơn, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ chiều tối 25/8 đến sáng 26/8/2022, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to. Cụ thể, tính từ 19 giờ 25/8 đến 7 giờ 26/8/2022, lượng mưa đo được ở một số địa bàn như sau: Hữu Lũng 84mm, Đình Lập 69mm, Mẫu Sơn 63mm, Bắc Sơn 53mm, thành phố Lạng Sơn 48mm…
Theo cập nhật mới nhất, đến 9 giờ ngày 26/8/2022, mực nước đo được tại sông Trung tại Trạm thủy văn Hữu Lũng là 17,43m, vượt báo động I là 0,43m.
Dự báo mưa tiếp tục kéo dài đến đêm 26/8/2022. Từ đó người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống mưa, lũ, sạt lở đất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản, đặc biệt là hộ dân sinh sống ở vũng trũng, thấp, ven sông, suối, đồi núi…
Tuyên Quang: Theo Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh 3 giờ qua, khu vực huyện Sơn Dương, Yên Sơn và TP Tuyên Quang có mưa to đến rất to.
Lượng mưa ghi nhận 50-100mm. Mưa lớn đã gây lũ trên hệ thống sông, suối nhỏ, ghi nhận tại 7 h sáng nay (26-8) lũ đã ngập úng nhiều diện tích lúa, cây màu; 1 số cầu tràn trên Quốc lộ 2C giáp ranh giữa 2 xã Trung Trực và Kiến Thiết (Yên Sơn); Quốc lộ 37, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) gây chia cắt giao thông. Dự báo, trong 6 giờ tới các khu vực tiếp tục có mưa với lượng phổ biến 40-70mm, có nơi trên 100mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất (nơi có địa hình dốc, khu vực có kết cấu đất đá yếu, kém ổn định) và ngập úng vùng trũng thấp, ven sông suối).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố sẵn sàng các phương án ứng phó, phân công cán bộ trực chốt tại các điểm giao thông ngập úng; nghiêm cấm người, phương tiện đi qua các ngầm, đập tràn; thực hiện di chuyển người ra khỏi vùng nguy hiểm...