Cuộc sống xanh

Biển Đông có thể hứng 8-11 cơn bão từ nay đến cuối năm: Tăng cường cảnh báo tới tận cấp xã

Phúc Minh 25/07/2025 14:00

Từ nay đến cuối năm 2025, Biển Đông có thể xuất hiện từ 8-11 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), trong đó có khoảng 3-5 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Các cơ quan chức năng yêu cầu hoàn thiện hệ thống cảnh báo, ứng phó thiên tai tới từng cấp xã.

Mưa lớn, lũ muộn và nguy cơ thiên tai dồn dập

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ tháng 7 đến tháng 12/2025, Biển Đông dự kiến xuất hiện 8-11 cơn bão và ATNĐ, tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm. Trong đó, từ nay đến tháng 10 có khoảng 6-8 cơn, và 2-3 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12 có thể xuất hiện thêm 2-3 cơn, với khoảng 1-2 cơn đổ bộ vào đất liền.

Từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 9/2025, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có thể xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài. Riêng Trung Bộ được cảnh báo nguy cơ cao về mưa lớn bất thường vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là các đợt mưa trái mùa hoặc mưa lớn cục bộ.

thien-tai.jpg
Ảnh minh họa

Mùa mưa chính tại Trung Bộ được dự báo sẽ dồn vào các tháng 10, 11 và nửa đầu tháng 12, trùng thời điểm bão, ATNĐ hoạt động mạnh. Các đợt lũ lớn tại khu vực Quảng Trị đến Lâm Đồng có khả năng xảy ra vào tháng 10 và 11, thậm chí muộn hơn, trùng thời kỳ tích nước tại các hồ đập.

Dự báo đỉnh lũ tại các sông lớn ở Bắc Bộ ở mức báo động 1-2, các sông nhỏ và vùng thượng lưu có thể lên đến báo động 3. Các sông từ Thanh Hóa đến Lâm Đồng cũng có thể vượt mức báo động 3 tại một số khu vực.

Ngoài ra, hiện tượng nắng nóng tại Trung Bộ có thể kéo dài tới tháng 8 nhưng sẽ giảm dần từ tháng 9. Không khí lạnh bắt đầu xuất hiện từ tháng 9-10 và tăng cường mạnh từ tháng 11. Rét đậm, rét hại trên diện rộng tại Bắc Bộ có khả năng xảy ra từ nửa cuối tháng 12, kèm theo nguy cơ sương muối, băng giá ở vùng núi cao.

Củng cố hệ thống ứng phó thiên tai đến tận cấp xã


Từ bài học xương máu của các đợt thiên tai khốc liệt năm 2024, trong đó có trận lũ "nghìn năm có một" tại Nghệ An sau bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một "thế trận phòng chống thiên tai toàn dân".

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự các cấp, nhất là cấp xã – nơi đóng vai trò then chốt trong ứng phó tại chỗ. Bên cạnh đó, các địa phương cần cập nhật kế hoạch ứng phó theo mô hình chính quyền hai cấp, rà soát hệ thống hồ đập, đê điều và các công trình trọng yếu.

Công tác phòng ngừa và kiểm soát rủi ro sẽ tiếp tục triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng các đề án chuyên đề như phòng chống sạt lở, lũ quét tại miền Trung – Tây Bắc, hay xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đẩy mạnh cảnh báo sớm bằng công nghệ


Bộ cũng đặc biệt nhấn mạnh nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo thời tiết, lũ lụt. Các đơn vị chuyên môn đang hoàn thiện bản đồ phân vùng rủi ro, cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến từng thôn, bản. Hệ thống giám sát mưa lũ sẽ được đầu tư sâu rộng đến cấp xã, tích hợp công nghệ vệ tinh, trí tuệ nhân tạo và thiết bị bay không người lái để hỗ trợ cảnh báo sớm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kết luận: “Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt năm 2025 là lấy người dân làm trung tâm, cấp xã là nền tảng. Địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó sát thực tế, kể cả với tình huống thiên tai vượt thiết kế.”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Biển Đông có thể hứng 8-11 cơn bão từ nay đến cuối năm: Tăng cường cảnh báo tới tận cấp xã
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.