Mới đây, tại Hà Nội, Hội nghị Liên chính phủ lần thứ 25, phần thứ hai của Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á (IGM-25.2) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã kết thúc với sự thống nhất chung của các quốc gia thành viên cần hành động khẩn cấp, tìm ra các giải pháp hữu hiệu và thực hiện để đối phó với ô nhiễm nhựa; các thách thức khác đối với hệ sinh thái biển và ven biển hiện nay và trong tương lai.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: Khu vực Biển Đông Á là nơi có mật độ rạn san hô, rừng ngập mặn và cỏ biển cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các hệ sinh thái biển và ven biển của khu vực này đang phải đối mặt với nguy cơ mất môi trường sống, ô nhiễm và biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người. Hiện nay, các nước trong khu vực đang thực hiện tiến trình đàm phán cho một thỏa thuận toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương.
Các nước trong khu vực cũng đang trong quá trình đạt đến một thỏa thuận mới về các mục tiêu đa dạng sinh học toàn cầu thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020, nhằm bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên cũng như các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên thiết yếu dành cho con người. Đây là những sáng kiến quốc tế đầy hứa hẹn mà các nước trong khu vực Biển Đông Á có thể cùng nhau thực hiện và cam kết hoàn thành.
Bà Phạm Thu Hằng khẳng định, nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết sự suy thoái hệ sinh thái và đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến các giải pháp về chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực như: thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển song song với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển; kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về tiêu dùng và thải bỏ các sản phẩm nhựa; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ; thiết lập các cơ chế hợp tác công tư để giải quyết ô nhiễm nhựa.
Việt Nam tiếp tục khẳng định các cam kết chính trị trong việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Bà Kerstin Stendhal, Trưởng Chi nhánh Hệ sinh thái tổng hợp, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, dưới sự tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng và điều phối của Việt Nam, Hội nghị đã thành công, thu hút được sự quan tâm và đồng lòng của tất cả các quốc gia thành viên trong vấn đề bảo vệ môi trường biển, góp phần các mục tiêu về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Đây chính là thời điểm đánh dấu mốc quan trọng cho tình hữu nghị, hợp tác bền vững của các nước trong khu vực Biển Đông Á.
Qua 2 ngày thảo luận, các đại biểu đã nghe Báo cáo của Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về tình hình thực hiện các hoạt động của COBSEA (2021-2022); thông qua Kế hoạch hành động khu vực của COBSEA về rác thải đại dương; Thành lập Nút khu vực Biển Đông Á (EAS Regional Node) trong khuôn khổ Quan hệ đối tác toàn cầu về rác thải đại dương; Cập nhật về các cuộc đàm phán hướng tới Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Bên cạnh đó, các đại biểu đến từ 9 nước thành viên đã thảo luận, rà soát chính sách quy hoạch không gian biển và vùng bờ; phân tích tình hình các khu bảo tồn biển trên các vùng biển Đông Á; xây dựng khung cho các hệ sinh thái biển và ven biển và Nhóm công tác hệ sinh thải biển và ven biển; Cập nhật về các hoạt động toàn cầu bao gồm cả Khung đa dạng sinh học toàn cầu, Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu và các Hệ sinh thái biển và ven biển của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc; theo dõi và rà soát các các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến đại dương; tăng cường khung thể chế của COBSEA...
Do đại dịch COVID-19, Hội nghị IGM-25 do Việt Nam chủ trì đã được các quốc gia thành viên COBSEA thống nhất tổ chức thành 2 phần. Phần thứ nhất đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 9/2021, phần thứ 2 được tổ chức trực tuyến kết hợp trực tiếp trong4 ngày từ 10-14/10 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện 9 nước thành viên gồm: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Hội nghị liên Chính phủ Cơ quan Điều phối các Biển Đông Á COBSEA lần thứ 26 sẽ do Campuchia đăng cai, chủ trì vào năm 2023.