Mưa lớn trong hai ngày qua đã khiến 75 nhà dân tại các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng bị thiệt hại.
Theo đó, từ tối 10 đến sáng ngày 11/8, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có mưa dông diện rộng, một số khu vực mưa to đến rất to với lượng mưa từ 70mm đến trên 100mm. Mưa lớn gây ngập úng cục bộ, sạt lở đất tại một số địa phương.
Trong đó, thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng bị ngập lụt nặng. Nước lũ tràn vào nhà khiến 45 hộ dân bị thiệt hại về tài sản.
Còn tại Điện Biên, mưa lớn liên tục trong hai ngày (11 và 12/8) cũng đã gây thiệt hại ước khoảng 550 triệu đồng.
Cụ thể, mưa lũ khiến 2 nhà phải di chuyển gấp và 10 hộ có nguy cơ cao về sạt lở taluy dương; sạt lở đồi ước tính khoảng 2.000m3 đất đá vùi lấp làm đổ 45m kè đá xây, hàng rào bị nứt nguy cơ đổ sập (Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên).
Về nông nghiệp, 119,4ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại (Tuyên Quang 7,5ha; Yên Bái 9,1ha; Cao Bằng 102,8ha); gần 1.000 con gia súc, gia cầm bị chết, chủ yếu tại Cao Bằng.
Về thuỷ sản, 2ha ao cá bị ngập và cuốn trôi, bao gồm: Điện Biên 0,5ha, Tuyên Quang 0,5ha, Yên Bái 1ha.
Về giao thông, trên 37 điểm giao thông bị sạt lở, ách tắc (Cao Bằng 30, Điện Biên 2, Tuyên Quang 5); hiện đã thông tuyến.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và thông tuyến giao thông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 13 đến sáng 14/8, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30 - 60mm, cục bộ có nơi trên 150mm (mưa lớn tập trung vào sáng, chiều tối và đêm). Từ chiều 14/8, mưa lớn ở Bắc Bộ có xu hướng giảm dần.
Ngoài ra, ngày và đêm 13/8, ở Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10 - 30mm, cục bộ có nơi trên 60mm (mưa tập trung vào thời gian chiều tối và đêm).
Trong đợt mưa này, lượng mưa lớn thường xảy ra tập trung vào sáng, chiều tối và đêm, trên phạm vi hẹp (ở không gian cấp tỉnh) với cường suất lớn nên khả năng rất cao gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, đặc biệt trên khu vực các tỉnh vùng núi.