Cây xanh đô thị tại Việt Nam – Bài 2: Vì sao đô thị thiếu màu xanh?

Hà Anh|24/09/2021 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay việc trồng cây xanh ở đô thị nước ta còn rất ít và chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Tại các vùng đô thị hóa nhanh, chưa có những vành đai xanh để bảo vệ môi trường.

Mảng xanh bị thu hẹp dần

Cây xanh còn có vai trò rất lớn trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Tuy nhiên, cùng với quá trình đô thị hóa, các cây xanh đô thị Việt Nam ngày càng thiếu vắng nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng hay các công trình giao thông hiện đại.

Do tốc độ đô thị hóa khá nhanh, nhiều thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM hình thành nhiều khu đô thị mới, tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên. Sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông cá nhân buộc hệ thống giao thông được nới rộng. Trong khi đó, không gian xanh chưa được chú trọng đầu tư phát triển dẫn đến cuộc sống của người dân đô thị ngày càng bức bối, ngột ngạt.

Quá trình đô thị hóa, các cây xanh đô thị Việt Nam ngày càng thiếu vắng nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng hay các công trình giao thông hiện đại

Những con đường từng được mệnh danh là đẹp nhất Thủ đô như Láng Hạ, Phạm Văn Đồng với hàng cây cổ thụ mướt mát một thời nay đã chỉ còn trong hoài niệm. Người dân Thủ đô đã phải kêu trời mỗi khi qua đây. Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy. Các trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách mạng Tháng tám, Phạm Ngọc Thạch từng xinh đẹp với hàng cây cổ thụ xà cừ và cây me, nay đã thành quá khứ mà người dân nhắc đến một cách xót xa…

Nguyên nhân nào khiến “mảng xanh” đô thị của Việt Nam bị thu hẹp?

Thiếu nguồn lực cho sự phát triển cây xanh

Nguyên nhân nào dẫn đến tính trạng trên, có lẽ đó chính là thiếu nguồn lực cho sự phát triển cây xanh. Hầu hết, nguồn lực chủ yếu là dựa vào ngân sách Nhà nước và chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế và nhân dân tham gia. Một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có chi phí đầu tư cho cây xanh tương đối cao hơn, các đô thị còn lại hầu như được đầu tư với chi phí rất thấp. Việc quản lý cây xanh hiện vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây vẫn diễn ra thường ngày. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố nên chặt hạ hàng loạt cây xanh.

Thiếu quy hoạch cây xanh và khâu quản lý về cây xanh còn lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá, khai thác tuỳ tiện cây xanh đô thị diễn ra khá phổ biến. Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch không gian xanh, gắn với việc bảo vệ môi trường nhưng nhiều dự án chủ đầu tư không tham khảo ý kiến của ngành chuyên môn về quy hoạch cây xanh và loại cây trồng nên việc trồng cây chưa được chú trọng.

TS. Đào Hoàng Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và Phát triển bền vững (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), Chủ nhiệm đề tài “Những vấn đề cơ bản về môi trường đô thị nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam” đưa ra con số thống kê, đất để trồng cây xanh trong các đô thị mới chỉ đạt 0,5m2/người. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ tiêu này cũng không quá 2m2/người, chỉ mới bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20m2 – 25m2 cây xanh/người) và bằng 2/7 tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, tại các đô thị nhỏ, cây xanh chưa thành hệ thống, chiếm diện tích không đáng kể. So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp so với yêu cầu.

Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch không gian xanh, gắn với việc bảo vệ môi trường. Ảnh báo Vietnamnet

Hay theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây Dựng, việc quản lý cây xanh hiện vẫn còn lỏng lẻo, tình trạng chặt phá cây, đặc biệt cây quý hiếm nằm trong nhóm phải bảo tồn vẫn diễn ra. Nhiều đô thị cải tạo, nâng cấp và mở rộng đường phố nên chặt hạ hàng loạt cây xanh. Bên cạnh đó, việc trồng cây xanh ở những nơi công cộng vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, thiếu quy hoạch về lựa chọn, bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương.

Dư luận những năm gần đây đã đề cập đến hiện tượng có nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng trên đường phố đô thị không đem lại hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Điển hình như cây hoa sữa được trồng quá nhiều trên một số đường phố đô thị miền Trung, mùi hương nồng vào cuối mùa hè đã ảnh hưởng đến sức khỏe cư dân. Tại TP Huế, cây bàng được người dân tự trồng rất nhiều trên đường phố đã làm mất đi bản sắc riêng của đô thị này.

Bê-tông hóa

TP Đà Nẵng hiện được xem là đô thị thiếu trầm trọng mảng xanh. Cả khu vực trung tâm TP chỉ có 2 công viên, nhiều tuyến đường không có bóng dáng cây xanh.

Vào mùa nắng nóng, người dân lưu thông trên nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP Đà Nẵng không khỏi khó chịu vì đường phố thiếu cây xanh. Các tuyến đường Hùng Vương, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… chỉ toàn bê-tông mà rất ít cây xanh. Đường Trần Cao Vân trước có nhiều cây nhưng gần đây do mở rộng đường, cây xanh cũng không còn nữa.

Khu vực trung tâm TP Đà Nẵng hiện chỉ có 2 khu công viên trồng nhiều cây xanh là Công viên 29 Tháng 3 (quận Thanh Khê) khoảng 10 ha và Công viên Thanh Niên (quận Hải Châu) khoảng 6-7 ha. Một số khu dân cư, khu đô thị thì có các khoảng sân nhỏ song diện tích không đáng kể.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, năm 2010, diện tích cây xanh đô thị của TP chỉ đạt hơn 5 m2/người. Năm 2015, con số này là 7,32 m2/người. Năm 2019, Đà Nẵng có hơn 1,134 triệu dân nhưng chỉ số cây xanh chỉ ở mức 7,51 m2/người. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đất cây xanh sử dụng công cộng cấp đô thị là 8,9 m2/người.

Diện tích cây xanh tồn tại trên bản vẽ

TP Hà Nội mở rộng diện tích lên đến hơn 3.345 km2, dân số gần 7 triệu người, là một trong 17 TP lớn nhất trên thế giới. Khu vực phát triển tính từ Vành đai 2 trở ra là những khu đô thị mới, đường phố mới rộng vài chục mét với hàng trăm tòa nhà cao hàng chục tầng. Thế nhưng, chính những nơi được coi là phát triển hiện đại này lại rất thiếu cây xanh, mặt nước, công viên, không gian công cộng…

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết ngay trong lòng thủ đô Hà Nội, khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng mọc lên thì diện tích đất dành cho cây xanh hầu như chỉ có trên bản vẽ.

Hiện nay, tỉ lệ cây xanh tính theo đầu người ở nội đô Hà Nội chưa đến 2m2. Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉ lệ cây xanh trung bình cũng mới đạt 10-15 m2/người (tiêu chuẩn mà Liên Hiệp Quốc đề ra là 39 m2/người).

Đã đến lúc phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về vấn đề này. Hãy bắt đầu từ việc quản lý, bảo vệ hệ thống cây xanh hiện có. Phải phân công rõ chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó chính quyền đô thị các cấp có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh trên địa bàn. Việc xã hội hóa, khuyến khích các hộ gia đình tự trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong và ngoài khuôn viên ngôi nhà trên các tuyến phố theo quy định về chủng loại cây được duyệt cũng là điều nên làm và nên có một cơ chế riêng cho việc này.

Hà Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây xanh đô thị tại Việt Nam – Bài 2: Vì sao đô thị thiếu màu xanh?