Theo thống kê, có tới 30% dân số ở Liên minh Châu Âu (EU) đã bị ảnh hưởng bởi nguồn cung cấp nước căng thẳng trong những năm gần đây.
Đối với vấn đề cung cấp nước, 2 lít nước là đủ để đáp ứng nhu cầu nước uống hàng ngày của một người, nhưng phải mất 3.000 lít nước cho nhu cầu thực phẩm. Việc đáp ứng nhu cầu này ngày càng trở nên thách thức đối với ngành nông nghiệp, khi việc tưới tiêu sử dụng tới 70% lượng nước ngọt trên toàn thế giới.
Tây Ban Nha là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình hình này. Hồ chứa Darnius Boadella ở phía Đông Bắc Tây Ban Nha chỉ đầy 20%, có nghĩa mức tiêu thụ nước trung bình hàng ngày phải giảm từ 230 lít nước cho mỗi người dân xuống còn 200 lít. Việc tưới nước cho mục đích nông nghiệp phần lớn sẽ bị cấm và việc sử dụng nước cho mục đích công nghiệp và giải trí phải giảm 25%.
Ở Italy, các chuyên gia cho biết, lần gần đây nhất Italy trải qua 2 năm hạn hán liên tiếp là 1989-1990, nhưng tình hình năm 2023 nghiêm trọng hơn. Tình trạng thiếu nước xảy ra ở hơn 30% diện tích cả nước ảnh hưởng đến việc cung cấp thức ăn chăn nuôi. Các quốc gia ở Bắc và Đông Âu cũng ngày càng bị ảnh hưởng bởi tình trạng căng thẳng về nguồn cung cấp nước.
Châu Âu đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ lục địa nào, nhưng do từ lâu đã quen với mùa đông mát mẻ và lượng mưa cao, đều đặn, các nhà hoạch định chính sách châu Âu có xu hướng ít quan tâm đến nguồn cung cấp nước. Trong vòng 30 năm tới, châu Âu sẽ phải trải qua những điều kiện khắc nghiệt khiến việc tiếp cận nguồn nước trở nên khó khăn hơn.
Theo WWF, phục hồi sông là chìa khóa để giúp xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Hơn 10.000 đập thủy điện khổng lồ, đập nước và cống đã được dỡ bỏ, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu, đã mang lại sự sống cho những dòng sông đang hấp hối từ Phần Lan đến Pháp, Anh đến Ukraine, Tây Ban Nha. Living Rivers Europe, liên minh gồm 6 tổ chức môi trường của châu Âu, cũng vừa đề xuất luật mới về khả năng chống chọi với khí hậu và nước.