Chi trả dịch vụ môi trường góp phần quản lý, bảo vệ rừng ở Thừa Thiên Huế hiệu quả

Hoàng Linh|06/11/2023 14:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trong bối cảnh nguồn ngân sách bố trí cho công tác quản lý, bảo vệ rừng còn khó khăn, hạn hẹp thì nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng (BQLR) phòng hộ, đặc dụng, giúp các chủ rừng tổ chức tăng cường thêm lực lượng quản lý bảo vệ rừng.

Đến nay, đã có 6 đơn vị (không có tổ chức kiểm lâm) thực hiện cung ứng DVMTR trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức xây dựng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với 131 người. Bên cạnh đó, đã có 3 đơn vị tổ chức ký kết hợp đồng cho 134 lao động địa phương, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.

bao-ve-rung.jpg
Chi trả tiền DVMTR góp phần giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh Thừa Thiên - Huế

Ngoài ra, các chủ rừng là tổ chức cũng đã tăng cường giao khoán cho các cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ rừng cung ứng DVMTR. Thông qua nguồn tiền chi trả này đã giúp tăng cường năng lực quản lý bảo vệ rừng đáng kể cho các chủ rừng là tổ chức, người dân và các BQLR cộng đồng thôn/bản; hỗ trợ đầu tư đưa vào sử dụng các công trình, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác bảo vệ rừng.

Chính sách đã tạo sợi dây gắn kết giữa chủ rừng là tổ chức với người dân sống gần rừng, người dân cùng chính quyền, tất cả cùng nhau thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí này nhiều cộng đồng thôn/bản trên địa bàn tỉnh đã xây dựng thành công mô hình phát triển sinh kế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ gia đình là thành viên thuộc các BQLR cộng đồng thôn/bản. Điều này giúp cho các hộ gia đình, người lao động yên tâm thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng được giao.

Từ khi được Quỹ chi trả tiền dịch vụ, các chủ rừng, cộng đồng và người dân trên địa bàn tỉnh có động lực hơn để gắn bó với rừng, góp phần giúp cho công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả hơn. Đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ dân sống ven rừng tham gia công tác tuần tra, canh gác bảo vệ rừng.

Đặc biệt, một số cộng đồng dân cư ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân thuộc huyện Phong Điền đã sử dụng tiền DVMTR để hỗ trợ kinh phí rà soát, cắm mốc xác định ranh giới diện tích rừng do mình quản lý, mua sắm trang bị máy tính bảng phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng.

Chi trả DVMTR đã thực sự tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình với chính quyền và các tổ chức Nhà nước về lâm nghiệp... góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi trả dịch vụ môi trường góp phần quản lý, bảo vệ rừng ở Thừa Thiên Huế hiệu quả