Báo cáo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2020 của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội cuối tháng 5 nêu Chính phủ đã cơ bản thống nhất phương án thi tốt nghiệp THPT với cách thức cơ bản giữ ổn định như thi THPT quốc gia năm 2019.
Kỳ thi được tổ chức trong 2 ngày, từ 9-10/8 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, với yêu cầu bảo đảm kết quả chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thí sinh sẽ làm 3 bài thi bắt buộc gồm Toán (90 phút), Ngữ văn (120 phút), Ngoại ngữ (60 phút) và 1 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (mỗi môn Vật lý, Hóa học, Sinh học 50 phút) hoặc Khoa học xã hội (mỗi môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân 50 phút).
Nội dung đề thi nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (chương trình đã được tinh giản).
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, Chính phủ giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc.
Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh tổ chức kỳ thi tại địa phương đảm bảo “an toàn, nghiêm túc và thành công”. Kỳ thi năm 2020 tiếp tục được tổ chức có sự tham gia của cả hệ thống chính trị các cấp, trong đó công tác thanh tra, kiểm tra được xác định góp phần đặc biệt quan trọng cho sự thành công của Kỳ thi.
Chính phủ đã chỉ đạo sự tham gia của “ba cấp” thanh tra, kiểm tra gồm Thanh tra của Bộ GD-ĐT, Thanh tra tỉnh và Thanh tra thuộc sở GDĐT. Những cán bộ có năng lực chuyên môn tốt và kinh nghiệm tổ chức thi của các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục được huy động tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi theo sự phân công, uỷ nhiệm của Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ/ngành liên quan và UBND cấp tỉnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các khâu của kỳ thi, đặc biệt là giám sát bảo đảm an toàn, bảo mật trong công tác đề thi, bảo quản bài thi, tổ chức chấm thi, công bố kết quả và sử dụng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp, tuyển sinh đại học – cao đẳng và đánh giá chất lượng giáo dục.
Căn cứ cơ sở dữ liệu người học, các địa phương sẽ thực hiện việc đối sánh kết quả thi của thí sinh với kết quả học tập lớp 12. Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng chống gian lận, đảm bảo độ tin cậy của kỳ thi.
Hồng Anh