Công tác xử lý chất thải rắn tại Long An còn nhiều khó khăn, bất cập

Minh Trang|17/09/2023 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hiện nay, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên địa bàn tỉnh Long An trung bình khoảng 850-870 tấn/ngày, tăng bình quân 5-10%/năm. Vì vậy, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa việc thu gom, xử lý rác thải đi vào nền nếp, góp phần bảo vệ môi trường, là yêu cầu cấp thiết.

Lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều. Tuy nhiên, từ thực tế tại các địa phương khi thực hiện công tác này vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử, tại thị xã Kiến Tường, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt phần lớn chỉ có thể thực hiện tại khu vực trung tâm đô thị và các khu, tuyến dân cư tập trung.

Các khu vực còn lại, thị xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Riêng việc phân loại rác thải, chủ yếu hiệu quả đối với khu vực nông thôn và do hộ gia đình tự thực hiện phân loại; đối với khu vực thành thị, do cơ sở vật chất không bảo đảm, rác thải sau khi phân loại vẫn được thu gom, vận chuyển và xử lý chung nên công tác phân loại chưa đạt hiệu quả mong muốn. Bên cạnh đó, hiện nay, hoạt động thu giá dịch vụ không đủ chi trả chi phí quét dọn, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt.

Hàng năm, ngân sách thị xã phải cấp bù 30-45% chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Tại các địa phương, còn tình trạng bỏ rác, đổ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định; việc lập bộ làm cơ sở thu phí CTR sinh hoạt đạt thấp, trung bình chỉ đạt 23% và tỷ lệ thực thu/thu bộ theo lập bộ đạt 92%, điều này cũng dẫn đến ngân sách phải bù số tiền lớn.

xu-ly-chat-thai-ran.jpg
Công tác xử lý rác còn nhiều bất cập, công nghệ xử lý rác chưa bảo đảm yêu cầu

Nói về những khó khăn, bất cập trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Long An, nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, tại một số địa phương, công tác quy hoạch thu gom, xử lý rác thải dù có nhưng triển khai ra thực tế rất chậm, một số nơi thậm chí không triển khai quy hoạch được. Trong khi đó, lượng CTR bình quân tăng từ 5-10%/năm.

Hiện việc xử lý rác thải cũng chưa thực sự bền vững khi có đến 50% lượng rác thải của tỉnh phải nhờ TP.HCM xử lý. Nếu như trường hợp TP.HCM ngưng tiếp nhận, xử lý rác thải thì sẽ rất khó khăn cho tỉnh trong tiếp nhận, xử lý rác. Việc xử lý rác thải tại khu vực nông thôn cũng còn nhiều bất cập, mỗi địa phương xử lý một kiểu, đa số người dân tự xử lý rác, có nơi đốt, có nơi chôn lấp.

Hiện nay, đối với khu vực đô thị, khu dân cư tập trung cũng chưa có quy hoạch vị trí tập kết rác thải dẫn đến tình trạng người dân để rác trước cửa nhà gây mất mỹ quan đô thị. Trước đây, xã, phường, thị trấn thu tiền rác nhưng nay, đơn vị dịch vụ đi thu, người dân không đóng, không có ai đôn đốc, nhắc nhở thu, phần thiếu hụt được bù bằng ngân sách, điều này chưa đúng theo tinh thần nghị quyết của HĐND.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều cho biết: “Dù việc phân loại rác tại nguồn trong các mô hình đã phát huy hiệu quả nhưng đa số dừng lại ở mức phong trào. Còn nhiều nơi, khi người dân phân loại rác tại nguồn nhưng đơn vị thu gom lại dồn chung vào 1 xe, chỉ một ít đơn vị thu gom bằng 2 xe riêng biệt.

Một số đơn vị có xe thu gom riêng thì đến nơi xử lý, rác thải lại được đưa vào xử lý chung. Điều này cũng dẫn đến việc người dân chưa thấy được hiệu quả, dẫn đến khó đạt mục tiêu bảo đảm phân loại rác tại nguồn vào năm 2025.

Mặt khác, việc thu gom, xử lý rác thải còn gặp bất cập về giá xử lý rác thải. Trong khi đơn vị xử lý rác tính theo khối lượng thì hiện nay, giá thu gom rác trên địa bàn tỉnh lại tính theo hộ, việc này cũng dẫn đến sự chênh lệch giữa giá thu gom và giá xử lý”.

Theo ông Mai Văn Nhiều, qua thực tế giám sát về hoạt động xử lý CTR trên địa bàn tỉnh, trước hết, UBND tỉnh cần thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, quy hoạch phải đồng bộ, đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, từ điểm tập kết tại khu dân cư, khu trung chuyển rác đến khu xử lý rác tập trung của cấp huyện, cấp tỉnh.

Trong quản lý quy hoạch phải bảo đảm chặt chẽ, ổn định, bền vững; phải xác định nguồn lực để thực hiện, nhất là xây dựng giải pháp cụ thể để triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Riêng những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các sở, ngành, địa phương, cần phải được tháo gỡ ngay để triển khai các dự án.

Đồng thời, UBND tỉnh cần phải rà soát lại các cơ chế, chính sách trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Đặc biệt, UBND tỉnh cần sớm ban hành văn bản thay thế hoặc bổ sung Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND, ngày 13/01/2022 của UBND tỉnh về quy định giá cụ thể đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt. Riêng đối với hoạt động xử lý CTR, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đưa công tác thu gom, xử lý CTR đi vào nề nếp, góp phần bảo vệ môi trường./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác xử lý chất thải rắn tại Long An còn nhiều khó khăn, bất cập