Đa dạng các hình thức tuyên truyền tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

Minh Trang|17/10/2023 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung luôn thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; diện tích rừng và các hệ sinh thái rừng tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và phát triển tốt.

Thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền, trong đó công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được đơn vị đặc biệt quan tâm. Cụ thể, tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phổ biến Luật Lâm nghiệp, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học; phát các tờ rơi có in nội dung tuyên truyền; xây dựng các bảng tuyên truyền, đóng các bảng nội quy, quy định tại các tuyến đường, khu vực giáp ranh với lâm phần đơn vị quản lý hoặc tại những khu vực có nhiều người dân thường đi qua; xây dựng các video tuyên truyền bằng tiếng đồng bào bản địa khu vực giáp ranh….

khu-bao-ton-thien-nhien-nam-nung.jpg
Ảnh minh họa

Ngoài ra, hằng năm, đơn vị cũng tiến hành tặng các vật phẩm có in các thông điệp về bảo vệ rừng như: cặp học sinh, vở viết, mũ bảo hiểm, áo mưa cho học sinh và người dân tại các xã thuộc vùng đệm. Cụ thể, trong năm 2023, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại 5 xã gồm: Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Đăk Sôr, Nam Đà thuộc huyện Krông Nô, với hơn 400 người tham gia; tặng 400 mũ bảo hiểm, 300 cặp học sinh, phát hơn 1.000 tờ rơi, đóng mới hơn 100 bảng nội quy, quy định về bảo vệ rừng…

Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung Nguyễn Văn Mạnh cho biết, trong những năm qua, đơn vị đã luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học là một trong những ưu tiên hàng đầu. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã nâng cao được nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp, từ đó các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng của đơn vị đã hạn chế đến mức thấp nhất. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, trên lâm phần đơn vị quản lý không để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, tỷ lệ che phủ rừng luôn đạt từ 97% trở lên.

Nằm ở phía đông bắc tỉnh Đắk Nông, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung có diện tích tự nhiên hơn 23.000ha, trải rộng trên 10 xã, thuộc 3 huyện, bao gồm: xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong); các xã Đăk Hòa, Đăk Mol và Nâm N’Jang (huyện Đăk Song) và các xã Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Nam Đà, Đắk Sôr và Buôn Choah (huyện Krông Nô).

Nơi đây có diện tích không lớn so với các Khu bảo tồn khác trong khu vực Tây nguyên, nhưng lại có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú với các kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới có mức độ đa dạng sinh học rất cao; là nơi phân bố của nhiều loài động vật quý hiếm hiện có trong sách đỏ Việt nam như: bò tót, báo gấm, vượn đen má vàng, voọc chà vá, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ… và các loài thực vật quý, hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng gồm: cẩm lai, giáng hương, kim giao, thông tre, gõ đỏ, trầm hương, du sam...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng các hình thức tuyên truyền tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung