Đà Nẵng khẩn trương khắc phục thiệt hại sau trận ngập lụt lịch sử

Gia Hân|15/10/2022 16:03
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mưa lớn kéo dài từ trưa đến hết đêm 14/10 đã gây ra trận lụt kỷ lục tại Đà Nẵng, gây nhiều thiệt hại về tài sản và cả con người.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, từ ngày 13 đến ngày 14.10 trên địa bàn thành phố đã có mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-700mm, cao nhất tại Sơn Trà 775mm.

Đến 5 giờ sáng ngày 15/10, các quận, huyện trên địa bàn thành phố không có thiệt hại về người. Trong đêm 14, rạng sáng ngày 15/10, các tuyến đường trung tâm các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều bị ngập nặng. Thời gian ngập sâu nhất là 22 giờ ngày 14/10, đến nay nước đã rút bớt và chỉ còn ngập tại một số vùng trũng. Khắp các tuyến phố ở Đà Nẵng ngổn ngang, ô tô chết máy nằm la liệt trên đường.

ngap-lut-tai-da-nang-2.jpg
ngap-lut-tai-da-nang-3.jpg
ngap-lut-tai-da-nang-4.jpg
Mưa lớn, dòng nước chảy xiết, khiến đường phố Đà Nẵng chìm trong biển nước, các phương tiện giao thông, chết máy

Những đợt mưa không ngớt từ sáng tới đêm 14/10 khiến toàn TP Đà Nẵng gần chìm trong biển nước mênh mông. Đỉnh điểm, đêm 14/10, nước dâng cực nhanh khiến người Đà Nẵng trở tay không kịp, nhiều gia đình bị mắc kẹt trong những căn nhà nước ngập gần đến mái, không có đường thoát, phải gọi điện, lên mạng xã hội kêu cứu lực lượng chức năng.

Trong đêm 14/10, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo công an, quân đội dồn toàn lực lượng và phương tiện ứng cứu, sơ tán người dân. Tại các quận, huyện, xã, phường, lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo công tác cứu dân tại những điểm nóng về ngập lụt, lũ quét như Hòa Vang, Liên Chiểu.

Cũng trong đêm 14/10, lực lượng quân đội huy động xe lội nước ứng cứu người dân tại các vùng ngập sâu, nước chảy xiết đến nơi an toàn.

ngap-lut-tai-dang-nang.jpg
Đến sáng 15/10, nước cơ bản đã rút, chỉ còn ngập những nơi trũng thấp

Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng báo cáo nhanh, đã có 2.524 trạm điện bị sự cố do bão số 5, hiện đã khôi phục 1.032 trạm, còn 1.492 trạm chưa khôi phục, khoảng 206.000 khách hàng bị sự cố mất điện. Trong sáng 15/10, các chợ trên địa bàn thành phố kinh doanh, buôn bán bình thường, lượng hàng hóa ổn định.

Sáng 15/10, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuộc họp ứng phó, khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão số 5, mưa lũ trên địa bàn thành phố.

Báo cáo nhanh tại cuộc họp, Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết đã có 4 trường hợp thiệt mạng do mưa lũ tối ngày 14/10.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ khu vực Đà Nẵng, toàn thành phố có hàng nghìn nhà dân ngập sâu, nhiều tuyến đường sạt lở sau trận ngập lụt lịch sử 14/10.

ngap-lut-tai-da-nang-1.jpg
Xe ô tô chết máy, nằm la liệt trên phố, khi nước rút, người dân mới đưa xe đi sửa

Mưa lớn cũng làm hàng nghìn xê ô tô bị ngập, chết máy nằm la liệt trên các tuyến phố. Riêng các tuyến đường lên bán đảo Sơn Trà xuất hiện một số điểm bị sạt lở, UBND quận hướng dẫn du khách đến chùa Linh Ứng để trú ẩn.

Do mưa lớn, đất, đá, bùn trên bán đảo Sơn Trà tràn xuống mặt đường Lê Văn Lương trên diện rộng nên khó khăn trong việc tham gia giao thông. Huyện Hòa Vang là khu vực bị ngập sâu nhất, đến sáng 15/10, địa phương này vẫn còn ngập cục bộ.

Mưa, ngập cũng làm 7,5ha rau màu vùng rau La Hường (Cẩm Lệ) chìm trong nước, hồ Hố Dư (Trường Quân Chính) bị sạt lở, thệ thống thoát nước đường Lê Văn Lương ra biển gần Miếu Đôi bị sụp 2 bên mố tạo thành hố sâu, có 2 người tham gia giao thông bị tai nạn.

Đặc biệt, lũ quét tràn từ trên núi Hải Vân xuống qua cầu dẫn số 1, số 2 phía Nam hầm Hải Vân tạo thành dòng nước lớn, chảy xiết. Quảng trường trước cửa hầm Hải Vân phía Nam bị ngập buộc đơn vị Quản lý và Khai thác hầm Hải Vân phải đóng cửa hầm, cắt cử lực lượng cứu hộ chốt trực tại cửa hầm phía Bắc. Đến 6h ngày 15/10, giao thông qua hầm Hải Vân mới cơ bản thông suốt.

Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất trong công tác ứng cứu là các lực lượng không có phương tiện phù hợp để tiếp cận những khu vực ngập sâu. Bên cạnh đó, việc mất thông tin liên lạc cũng gây nhiều khó khăn cho việc xác định vị trí nạn nhân để ứng cứu.

ngap-lut-tai-da-nang-5.jpg
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu không để dân vùng ngập lũ thiếu lương thực và nước sạch

Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình mưa lũ và triển khai các giải pháp khắc phục trận mưa lũ lịch sử ngày 15.10, ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu chính quyền địa phương các cấp phải đảm bảo lương thực, nước sạch cho người dân nơi bị ngập, nhất là những nơi còn đang ngập và dự báo tiếp tục bị ngập; tổ chức thăm hỏi các gia đình bị nạn.

Đồng thời, thống kê nhanh để có phương án hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại cả về lương thực, thực phẩm và khắc phục hạ tầng.

Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng phân tích, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm từ trận mưa lũ vừa qua, cả những mặt đã làm tốt cũng như những thiếu sót, bất cập, để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian đến.

Cụ thể như công tác đánh giá, nhận định đúng tình hình trước các thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn, tránh để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ; các phương án phòng, chống mưa lũ; công tác đảm bảo thông tin, liên lạc và tiếp nhận thông tin, yêu cầu hỗ trợ từ người dân; công tác huy động phương tiện, phương án ứng cứu và công tác phối hợp giữa các lực lượng, nhất là lực lượng cứu nạn, cứu hộ.

“Thực tiễn công tác ứng cứu trong trận mưa lũ vừa qua cho thấy, chúng ta hiện chưa có những phương tiện, phương án triển khai hoạt động cứu nạn, cứu hộ một cách hiệu quả nhất, phù hợp nhất với đặc thù mưa lũ, ngập lụt đô thị với những dòng chảy rất xiết và nguy hiểm.

Do vậy, cần tiến hành tổng rà soát, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng những phương án ứng phó phù hợp nhất cho tương lai” - ông Nguyễn Văn Quảng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Đà Nẵng khẩn trương khắc phục thiệt hại sau trận ngập lụt lịch sử