Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang liên tục chỉ đạo trực tiếp, động viên cán bộ, đoàn viên, hội viên, nhân dân trên địa bàn huyện duy trì ra quân thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh, sạch, đẹp” và hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, đặc biệt là lưu ý các xã, thôn ưu tiên cho việc khơi thông, nạo vét cống rãnh để thoát nước, hạn chế thấp nhất việc ngập úng trong các buổi ra quân.
Các xã huy động nhân dân dùng các dụng cụ ra quân khơi thông các cửa thu nước mưa trên các tuyến đường, nạo vét các mương thoát nước; đồng thời, huy động thêm phương tiện cơ giới để xúc, đào vét cỏ, rác, đất trong các mương thoát nước chính để chống ngập úng. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cũng triển khai nạo vét, khơi thông các tuyến mương trên địa bàn các xã Hòa Nhơn, Hòa Châu và Hòa Phước... Nhờ vậy, trong đợt mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vào ngày 25-9, việc thoát nước đã được cải thiện, góp phần giảm ngập úng cục bộ.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp cho biết thêm, riêng khu nuôi trồng thủy sản của xã được ưu tiên nạo vét, khơi thông thoát nước nên nước chảy thông suốt dù mưa rất to trong thời gian ngắn, không gây thiệt hại đối với diện tích nuôi trồng thủy sản. Xã đã huy động nhân dân, hội viên của các hội, đoàn thể và lực lượng ra quân khơi thông nhiều cửa thu nước mưa, nạo vét nhiều kênh, mương thoát nước nên không gây ngập úng”.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn, huyện đã yêu cầu các xã đồng loạt ra quân vào các sáng thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần để nạo vét các mương thoát nước (mương đất) có khả năng gây ngập úng trong khu dân cư, các mương hở trong kiệt, hẻm hay ứ đọng nước; phát quang cây cối ở bờ mương, dọc các tuyến đường để tạo thông thoáng dòng chảy...; tuyên truyền trong nhân dân chung tay trách nhiệm trong việc bảo vệ hạ tầng thoát nước; không quét rác, dồn cát, đất đổ vào hệ thống thoát nước; không được che chắn cửa thu nước; thường xuyên quét dọn, vệ sinh vỉa hè, đường, khu vực xung quanh cửa thu nước mưa, không để ứ đọng rác làm ảnh hưởng đến thoát nước...
Theo Phòng Quản lý đô thị quận Sơn Trà, qua thống kê, rà soát vào đầu tháng 9-2023, trên địa bàn quận có 2.875 cửa thu nước mưa trên các tuyến đường do quận quản lý theo phân cấp không phát huy hiệu quả thoát nước khi xảy ra mưa do bị trám, lấp, che chắn..., chiếm 52% tổng số lượng cửa thu nước mưa trên các tuyến đường. Quận đã đồng loạt tổ chức 4 đợt cao điểm ra quân khơi thông cửa thu nước mưa trước nhà trên tất cả các tuyến đường quy hoạch rộng 7,5m, 5,5m và các kiệt, hẻm; tháo dỡ các vật liệu che chắn cửa thu; khôi phục các cửa thu nước đã bị trám lấp; phát quang các mương hở, các mương thoát nước sau nhà, bảo đảm thoát nước.
Các phường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân phân loại rác tại nguồn, đổ rác đúng nơi quy định, giữ vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống để giảm rác thải ứ đọng, mắc kẹt tại các cửa thu nước mưa. Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) Trần Văn Hùng cho biết: “Qua rà soát, trên địa bàn phường có 600 cửa thu nước mưa trên mặt đường cần được xử lý để bảo đảm chống ngập úng. Phường đã tổ chức phát động hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn để huy động các lực lượng, nhân dân chung tay nạo vét, khơi thông thoát nước kết hợp vệ sinh môi trường, tránh để rác tấp vào các cửa thu nước mưa gây tắc nghẽn, cản trở dòng chảy”.
Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Công Thanh cho rằng: “Sau khi được nạo vét mương, cống và khơi thông các cửa thu nước, mương thu, trong trận mưa xảy ra vào ngày 25-9, nước đã thoát nhanh hơn, thời gian ngập tại một số điểm thường hay ngập giảm đi. Quận tiếp tục nạo vét, khơi thông mương, cống thoát nước theo phân cấp cũng như kiểm tra, rà soát đánh giá hiệu quả thu nước của các hố ga, cửa thu nước và có phương án khắc phục xử lý để bảo đảm khả năng thu nước, thoát nước khi có mưa. UBND các phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay đối với công tác này và tiến hành xử lý đối với các trường hợp vi phạm theo quy định”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền hình thức xử phạt vi phạm hành chính của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ, cụ thể là phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với cá nhân và 6-10 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi làm hư hỏng hoặc làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước thuộc công trình đường bộ... Qua đó, giảm thiểu tình trạng trám lấp, che chắn và đổ rác, chất thải vào hệ thống thoát nước để bảo đảm chống ngập úng trong mùa mưa.