Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam
80-90% nước thải đô thị xả thẳng ra môi trường
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị”, nói về bức tranh toàn cảnh về nước thải ở các đô thị trên cả nước, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân – Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nêu lên thực tế hiện nay khoảng 80% đến 90% nước thải đang xả thẳng ra môi trường.
Theo ông Huân, thực trạng trên cho thấy năng lực xử lý nước thải ở các đô thị đang rất thấp, nguy cơ ô nhiễm rất lớn. Trong khi việc quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực đang có vấn đề. “Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì khoảng 20-30 năm tới, con cháu chúng ta sẽ không có đủ nước sạch để dùng, đây là nguy cơ rất đáng báo động,” ông Huân chia sẻ.
Về khía cạnh chính sách, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho biết, từ năm 2013 hội nghị 7 khóa XII, Đảng đã đưa ra Nghị quyết 24, Nghị quyết về bảo vệ môi trường, tầm nhìn xa của Đảng, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về xử lý nước thải, Quốc hội có 2 Nghị quyết quan trọng 16, 32 kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đều đề cập đến vấn đề môi trường. Ngoài ra, các bộ, ban, ngành đều có những chính sách quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Mới nhất, Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022, tại điều 6 có quy định rõ các chỉ tiêu không được xả thải ra môi trường.
“Có thể thấy tầm nhìn của các chính sách đã có. Tuy nhiên, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu thay đổi chậm hơn so với thực tế, vấn đề môi trường theo vẫn theo xu hướng hoạt động công ích, bao cấp. Nguồn lực xử lý nước thải chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nhưng triệt để xử lý nước thải vấn đề không chỉ là mỗi nhà máy, còn vấn đề thu gom, công nghệ, Ví dụ những đô thị đông dân như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng,…có thể xử lý công nghệ bậc cao, mà để đi kèm với việc đó phải có hệ thống thu gom tập chung. Nhưng hiện nay hệ thống xử lý công nghệ cao, mà đầu vào của nước thải không đồng nhất. Vậy nên hiệu quả của nhà máy xử lý nước thải là chưa tốt.”, ông Huân nhận định.
Cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hóa thu hút đầu tư tư nhân
Giải pháp xã hội hóa để thu hút đầu tư trong ngành nước là việc cấp thiết hiện nay. Theo đó, việc xã hội hóa trong đầu tư không chỉ giảm được gánh nặng tài chính cho Nhà nước mà còn nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ xử lý nước cho cộng đồng.
Trước thực tế nêu trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi không sử dụng nguồn vốn theo hướng hoạt động công ích, mà cần kêu gọi tư nhân đầu tư, theo hướng kinh tế thị trường, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi. Hiện nay, có thể thấy chính sách đã có, bắt tay vào thực hiện cần cụ thể hơn, tiếp cận theo hướng kinh tế thị trường.
Ông Huân kiến nghị các chính sách nên học hỏi kinh nghiệm từ những nước đi trước. Tuy nhiên, việc học hỏi cần áp dụng gắn với thực tế ở Việt Nam.
“Gần đây nhất, tại Nghị quyết đại hội XIII có mục chỉ tiêu xử lý nước thải là 70%. Theo đó, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư rất lớn từ 10-20 tỷ USD. Do vậy, chúng ta cần có chính sách để thu hút tư nhân đầu tư, áp dụng kinh tế thị trường, dùng các nguồn thu bù cho phí xử lý,” ông Huân cho biết.
Theo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê tính đến năm 2020, cả nước có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 15%, trong đó, tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%. Ở nông thôn, thực tế hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
Nguyên nhân của việc hạ tầng chưa đáp ứng được với tình hình thực tế như vậy là do tỷ lệ các hộ đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn thấp (trong khi 90% hộ gia đình xả nước thải vào bể tự hoại chỉ 4% lượng phân bùn được xử lý); giá dịch vụ thoát nước vả xử lý nước thải quá thấp (trung bình chỉ bằng khoảng 10% giá nước sạch), chỉ đáp ứng được khoảng 10% chi phí xử lý thực tế.
Bên cạnh đó, năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống và các công nghệ mới; khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nhìn chung còn thấp. Các đơn vị chịu trách nhiệm thoát nước và xử lý nước thải lại có quyền tự chủ rất hạn chế trong hoạt động quản lý vận hành và phát triển hệ thống. Việc kiểm tra, giám sát đầu tư xây dựng các công trình thoát nước và xử lý nước thai theo quy hoạch chưa được thực hiện thường xuyên.
Ngoài ra, đầu tư tài chính cho công tác quản lý nước thải còn thiếu và chưa cân đối mặc dù đã có sự tham gia của khối tư nhân; cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân còn chưa hiệu quả; năng lực của một số chủ thể liên quan (chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn lập quy hoạch, chủ đầu tư dự án) chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa theo kịp sự phát triển của hệ thống và các công nghệ mới.
Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thu hút để các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt, nhất là nước thải sinh hoạt phi tập trung.
Mai Dung