Để giảm ô nhiễm môi trường không khí cần phải làm từng bước

Thơ Hoàng|23/07/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn. Điển hình tại Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới. 3,5 triệu người dân thủ đô bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO.

Trong khi đó, công tác quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường không khí còn nhiều bất cập, ý thức bảo vệ môi trường không khí của người dân chưa cao đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân tại các địa phương trên cả nước.

giaiphap_onhiem.png
Trung tâm Tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và Ðiều hành mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa được đưa vào hoạt động

Ô nhiễm bụi vẫn còn là vấn đề nan giải

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không khí tại các đô thị lớn và một số đô thị phát triển công nghiệp tiếp tục ghi nhận bị ô nhiễm ở một số thời điểm trong năm, trong đó ô nhiễm bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Nồng độ thông số bụi (PM2.5, PM10 và TSP) tại một số khu vực ở ngưỡng cao, nhất là tại các trục giao thông, tuyến đường chính hoặc khu vực khu công nghiệp ở các đô thị lớn.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tại địa bàn Thủ đô có nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí như: Toàn thành phố có 17 khu công nghiệp; khoảng 806 làng có nghề; hơn 770 nghìn xe ô-tô, gần sáu triệu xe máy lưu thông hằng ngày..., đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường.

hon-52-000-nguoi-viet-chet-vi-o-nhiem-khong-khi-2.jpg
Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới. 3,5 triệu người dân thủ đô bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO.

Kết quả quan trắc của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Ðại học Quốc gia Hà Nội) năm 2022 cho thấy: Các hoạt động này tại Hà Nội đã phát thải ra môi trường không khí 758 tấn bụi mịn PM2.5, hơn 8.400 tấn khí CO và gần 110 nghìn tấn khí CO2, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng tại nhiều khu vực.

Tại các khu vực sản xuất công nghiệp, vấn đề nổi cộm hiện nay cũng là ô nhiễm bụi như: Nồng độ tổng bụi lơ lửng (TSP) tại nhiều điểm quan trắc chung quanh các khu công nghiệp vượt ngưỡng quy định, thậm chí vượt gấp nhiều lần giới hạn trung bình 24 giờ và trung bình năm của QCVN 05:2013/BTNMT. Nồng độ TSP, bụi PM2.5, PM10 chung quanh các khu công nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc cao hơn so với tại miền trung và phía nam, do đặc điểm cơ cấu loại hình sản xuất, công nghiệp, nhiên liệu, vị trí của các khu vực khác nhau. Các chất ô nhiễm trong không khí chung quanh các khu vực sản xuất công nghiệp có sự khác nhau giữa các vùng, miền, do sự phân bố của các loại hình sản xuất, giá trị nồng độ SO2, NO2 chung quanh các khu công nghiệp khá thấp, cơ bản không vượt ngưỡng của QCVN 05-MT:2013/BTNMT.

Trong khi đó, tại khu vực làng nghề, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn ở mức cao, nhất là tại các làng nghề tái chế kim loại, nhựa, vật liệu xây dựng… Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn ở các khu vực có mật độ dân cư lớn, gần trục giao thông đã ghi nhận vượt ngưỡng.

Tại các khu vực dân cư ở xa trục giao thông, nhìn chung mức ồn thấp, đạt QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Các vấn đề khác như sương mù quang hóa, ô nhiễm không khí biên giới hay lắng đọng a-xít, ô nhiễm mùi đã có một số biểu hiện nhất định và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam.

Các chuyên gia lĩnh vực môi trường cho rằng, nguyên nhân chính gây tình trạng ô nhiễm môi trường không khí là do công nghệ sản xuất ở nước ta chưa hiện đại, hiệu suất sử dụng năng lượng, tài nguyên chưa cao; hạ tầng đô thị chưa đồng bộ với tốc độ phát triển đô thị, nhất là sự gia tăng các phương tiện giao thông vận tải, nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ đã quá niên hạn, không đáp ứng quy định kiểm soát khí thải; đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp chưa được chú trọng.

o_nhiem_khong_khi_nguyen_hoai_kpvt.jpg
Sức ép môi trường từ các lĩnh vực sản xuất, việc đốt ngoài trời.

Ngoài ra, sức ép môi trường từ các lĩnh vực sản xuất, việc đốt ngoài trời, bao gồm cả rơm, rạ sau vụ mùa và rác thải không đúng quy định tại một số địa phương; việc sử dụng than, củi để đun nấu, sinh hoạt cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí.

Ðáng lo ngại, ô nhiễm môi trường không khí, nhất là ô nhiễm bụi PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp dưới, gây các bệnh như: hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, ung thư. Trong khi đó, người lao động và cộng đồng chung quanh các khu công nghiệp như khai khoáng, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng thường có nguy cơ mắc các bệnh bụi phổi, viêm phế quản, bệnh điếc do tiếng ồn.

Thực thi các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường không khí


Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, để từng bước giảm tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và các quy định pháp luật để quản lý chất lượng môi trường không khí; đồng thời nâng cao hiệu quả làm việc của bộ máy quản lý môi trường không khí ở Trung ương và các địa phương; tăng cường kiểm soát, kiểm tra nguồn thải từ các phương tiện giao thông cơ giới.

Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tập trung kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các nguồn thải ô nhiễm, bụi phát sinh từ các hoạt động xây dựng mới và sửa chữa công trình nhà cửa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; phổ biến áp dụng các công nghệ xây dựng ít ô nhiễm; kiểm soát nguồn thải công nghiệp chặt chẽ, áp dụng các biện pháp kỹ thuật xử lý bụi phát sinh từ sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp ở bên trong cũng như chung quanh các khu vực đô thị.

trong-cay.jpg
Cần tiếp tục trồng cây xanh trong nội đô, tại các khu vực ven đường giao thông nơi có mật độ xe lớn, mức ô nhiễm cao.

Tại các địa phương, nhất là các đô thị cần tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô-tô điện, xe máy điện, đây cũng là một giải pháp lâu dài cho việc giảm thiểu ô nhiễm không khí; khuyến khích sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, xe điện trên cao.

Ðối với những ngày có chỉ số AQI cao, người dân cần hạn chế ra đường nếu không có việc thật sự cần thiết; những khung giờ cao điểm, lưu lượng xe đi lại tăng, người dân cũng cần tránh lưu thông để giảm thiểu lượng bụi hít phải trong không khí.

Mặt khác, cần tiếp tục trồng cây xanh trong nội đô, tại các khu vực ven đường giao thông nơi có mật độ xe lớn, mức ô nhiễm cao; đồng thời vận động nhân dân và áp dụng các chính sách ưu đãi để đạt được mục tiêu đến năm 2030 không còn bếp đun than ở các đô thị; đối với người dân ngoại thành áp dụng các công nghệ xử lý rơm rạ hợp lý, chấm dứt việc đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nông nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Để giảm ô nhiễm môi trường không khí cần phải làm từng bước
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.