Đến năm 2030, phấn đấu giảm ít nhất 10-15% các vụ vi phạm về lâm nghiệp

Thùy Trang|14/02/2022 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 177/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 – 2030.

Đề án Nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho lực lượng kiểm lâm vừa được phê duyệt sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 177/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm từ Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 – 2030.

Theo đó, Đề án phấn đấu giảm ít nhất 10-15% các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại so với giai đoạn 2015-2020. Đồng thời, củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực thi pháp luật cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo ít nhất 50% lực lượng quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ và trang bị các phương tiện, thiết bị bảo vệ rừng và chữa cháy rừng vào năm 2025.

Phó Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 – 2030. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Đề án hướng tới nâng cao năng lực dự báo và độ tin cậy của công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, mất rừng; tổ chức phát hiện sớm và thông báo kịp thời về mất rừng, cháy rừng; tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị và hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Để đạt được các mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án đặt ra là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; thực thi pháp luật về lâm nghiệp; chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực dự báo, cảnh báo cháy rừng, mất rừng và suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ cao trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; thường xuyên tổ chức diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo nguy cơ cháy rừng và phát hiện sớm cháy rừng, mất rừng. Xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống cháy rừng, có cơ chế huy động, hiệp đồng giữa các lực lượng (bộ đội, công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ,…) để xử lý hiệu quả tình huống cháy rừng; đầu tư phương tiện, trang thiết bị, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ngoài ra, Đề án cũng đưa ra các giải chủ yếu như rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để nâng cao năng lực về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cho kiểm lâm và lực lượng chuyên trách về bảo vệ rừng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, giá trị của rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, chống suy thoái đất, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành (bộ đội, công an, kiểm lâm,…) trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, 4 sẵn sàng, địa phương chủ động bố trí nguồn lực và chỉ huy chữa cháy rừng.

Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam), trong năm 2021, vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp giảm 12% số vụ; diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng, phá rừng và ảnh hưởng của thiên tai giảm 33%… Tỷ lệ che phủ rừng trên toàn quốc đạt 42,01%, tăng 0,11%; các hoạt động về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2020.

Năm 2022, dự báo tình hình vi phạm pháp luật về lâm nghiệp vẫn phức tạp. Vì vậy, Cục Kiểm lâm sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng và triển khai văn bản quy phạm pháp luật; quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tại các địa phương. Đặc biệt, Cục Kiểm lâm sẽ tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, đồng thời thực hiện tốt việc hợp tác quốc tế về bảo vệ và phát triển rừng…

Thùy Trang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2030, phấn đấu giảm ít nhất 10-15% các vụ vi phạm về lâm nghiệp